Cứu thành công trẻ mắc bệnh tay chân miệng mức độ 4 ở Phú Thọ

(PLO)- Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu thành công một bé trai bị tay chân miệng cấp độ 4 – cấp độ nặng nhất của bệnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-2, đại diện Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết bệnh viện vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi bị tay chân miệng cấp độ 4.

Bé NAT (10 tháng tuổi, ngụ Thị xã Phú Thọ) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp cấp, ý thức lơ mơ, tím quanh môi và gốc mũi, da niêm mạc tái nhợt, mạch quay bắt yếu, chi lạnh. Khi đặt ống nội khí quản thở máy, bệnh nhi có trào bọt hồng máu từ phổi.

Cứu thành công trẻ mắc bệnh tay chân miệng mức độ 4 ở Phú Thọ.jpg
Sức khỏe bệnh nhi 10 tháng tuổi NAT đã ổn định. Ảnh: PV

Theo lời kể của gia đình, hai ngày trước khi nhập viện, trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng, có xuất hiện nốt trong miệng. Gia đình có đưa bé đến cơ sở y tế tư nhân truyền dịch 2 lần nhưng tình trạng trẻ không cải thiện.

Đến trưa hôm nhập viện, trẻ lên cơn co giật, tím tái nên gia đình vội đưa bé đi cấp cứu.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định trẻ có dấu hiệu tổn thương thần kinh, phù phổi cấp, suy tuần hoàn do tổn thương cơ tim. Sau khi xét nghiệm tìm căn nguyên E71 dương tính trẻ được chẩn đoán bệnh tay chân miệng cấp độ 4.

Trẻ được tiến hành hồi sức tích cực, an thần, thở máy bảo vệ phổi, sử dụng tới 3 loại thuốc vận mạch liều cao, điều chỉnh rối loạn toan kiềm điện giải và có chỉ định dùng IVIG.

IVIG là một chế phẩm của globulin người, được tổng hợp từ người hiến máu khỏe mạnh và chứa các kháng thể trung hòa chống lại các loại enterovirus.

Sau 5 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân đã dừng thuốc vận mạch, rút được ống nội khí quản, tự thở tốt, chức năng tim cải thiện, ăn uống khá hơn.

ThS.BS Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ cho biết bệnh tay chân miệng do virus EV71 rất nguy hiểm do các biểu hiện bệnh diễn biến âm thầm, khó phát hiện.

Ngoài các biểu hiện ngoài da như lên mụn nước, bọng nước ở miệng, bàn chân, bàn tay... khi thấy trẻ sốt cao liên tục, nôn, quấy khóc, thở nhanh, da tái, bố mẹ cần phải đưa trẻ đi khám tại các cơ sở ý tế để điều trị kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm