Cựu trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 hầu tòa

Ngày 2-6, TAND TP.HCM mở lại phiên sơ thẩm xét xử Lê Thị Minh Hiền (cựu giám đốc Ngân hàng Dầu khí toàn cầu TP.HCM - GPBank TP.HCM) và Nghiêm Tiến Sỹ (cựu phó tổng giám đốc GPBank TP.HCM) cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan, Lê Quốc Cường (cựu trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 1, TP.HCM) hầu tòa về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Huỳnh Thị Cúc (cựu thủ quỹ Ban BTGPMB quận 1) hầu tòa về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo tại phiên xử sáng nay. Ảnh: H.Y

Vụ án này tòa đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều vấn đề liên quan tới vụ án.
Cụ thể, vụ án phức tạp đánh giá chứng cứ là các tài liệu bằng bản photo. Tòa thấy tài liệu bản photo cung cấp cho cơ quan điều tra làm căn cứ khởi tố bị can Hiền có dấu hiệu là cung cấp tài liệu sai sự thật.
Đồng thời, tòa đề nghị tiến hành giám định chữ ký chữ viết của rất nhiều tài liệu. Tuy nhiên sau khi trả hồ sơ VKS vẫn cho rằng không cần thiết nên hoàn trả hồ sơ cho tòa.
Dự kiến phiên xử kéo dài nhiều ngày. Chủ tọa phiên xử là thẩm phán Trương Công.

Bị cáo Lê Quốc Cường (đầu bạc) trong lúc chờ toà khai mạc. Ảnh: H.Y

Cáo trạng xác định trong thời gian giữ chức vụ giám đốc GPBank TP (2009-2010), Hiền gây thất thoát 10,5 tỉ đồng. Sau đó, Hiền thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 10,5 tỉ đồng của Ban BTGPMB quận 1 để bù vào số tiền thiếu hụt.
Ngày 15-7-2010, GPBank TP.HCM tiến hành kiểm quỹ và phát hiện thất thoát 10,5 tỉ đồng (sau này, Cục Thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước kết luận việc thanh tra này trái quy định). Hôm sau, ngân hàng thống nhất bổ nhiệm Nghiêm Tiến Sỹ giữ chức giám đốc thay Hiền.
Cùng thời gian này, Ban BTGPMB quận 1 mở nhiều tài khoản tiền gửi tại GPBank TP.HCM, trong đó có 4 tài khoản với tổng số dư gần 10,8 tỉ đồng (Lê Quốc Cường đứng tên chủ tài khoản). Đây là số tiền bồi thường từ một dự án thu hồi đất trên địa bàn quận. Do thường xuyên liên hệ làm việc với ngân hàng nên Cường có quen biết Hiền.

Bị cáo Hiền trong lần ra toà tháng 10-2019. Ảnh: H.Y

Tháng 7-2016, Hiền nhờ Cường dùng 4 tài khoản tiền gửi trên bảo lãnh khoản vay 10,5 tỉ đồng. Sau khi xem hồ sơ, Cường đồng ý. Hiền hứa sẽ trả khoản vay ngân hàng sau 7 ngày.
Sau đó, ông Cường tiến hành tất toán 4 tài khoản tiền của Ban BTGPMB quận 1 tại Ngân hàng GPBank TP, chuyển đến Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhằm đảm bảo khoản vay do Hiền tại ngân hàng này.
Ban lãnh đạo GPBank TP HCM tất toán 4 tài khoản nhưng họ chỉ thao tác trên chứng từ. Thực chất chỉ có gần 280 triệu đồng chuyển đến Agribank Chợ Lớn. Số tiền còn lại trong 4 tài khoản vẫn ở GPBank TP.HCM.
Agribank Chợ Lớn có làm thủ tục, chứng từ và giải ngân tiền vay 10,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây cũng mới là thao tác trên giấy tờ, chưa giao dịch tiền mặt. Hiền nhờ hai nhân viên ngân hàng lập chứng từ giả thu, giả chi (bù trừ) gần 10,8 tỉ đồng để hợp thức hóa hồ sơ bảo lãnh.
VKS kết luận việc lập hồ sơ vay tiền từ tài khoản bảo lãnh chỉ là hình thức. Mục đích thực sự của Hiền là chiếm đoạt 10,5 tỉ đồng của Ban BTGPMB quận 1.
Sỹ biết rõ Hiền làm ngân hàng thâm hụt 10,5 tỉ đồng nhưng vẫn giúp đỡ Hiền giải quyết hậu quả trái pháp luật.
Cụ thể, Sỹ chỉ đạo nhân viên tất toán 4 tài khoản tiền gửi trái quy định, tạo điều kiện cho Hiền chiếm đoạt 10,5 tỉ đồng.
Cường lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký giấy đề nghị tất toán 4 tài khoản tiền gửi khiến Ban BTGPMB quận 1 thất thoát 10,5 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, Cường cùng Cúc cố ý không lập chứng từ kế toán, để ngoài sổ sách gần 700 triệu đồng sử dụng chi phí trợ cấp cán bộ, nhân viên trong dịp lễ, Tết…
Trong quá trình xét xử, bị cáo Hiền liên tục kêu oan. Bị cáo không nhận tiền từ giao dịch nói trên. Số tiền 10,5 tỉ đồng mà cáo trạng cáo buộc bị cáo lừa đảo là do Hiền vay giúp một người phụ nữ khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm