Đã có điểm 9 môn toán

Niềm vui của thí sinh sau khi thi xong môn toán sáng 4-7 tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Ông Đinh Ngọc Tuấn cho hay với môn toán, ở vòng chấm 1 đã có nhiều bài thi được chấm điểm 9. Ngoài ra, điểm các bài thi đã chấm có xu hướng cao hơn năm trước với nhiều điểm thi đạt từ mức khá trở lên. Số điểm thi thí sinh đạt được nhiều nhất là điểm 6-7.

Điểm chuẩn không thấp hơn 2013

Khoảng 30% số bài đạt 5-6 điểm

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM triển khai chấm thi môn toán từ ngày 10-7. Với hơn 30 cán bộ chấm thi đến chiều qua nhà trường mới chấm được khoảng 50 túi bài thi với hơn 500 bài thi. Trong tuần tới nhà trường sẽ chấm các môn thi trắc nghiệm. Dự kiến đến ngày 20-7 nhà trường sẽ hoàn tất việc chấm thi.

ThS Huỳnh Văn Tùng, trưởng ban chấm thi môn toán của trường, cho hay khảo sát sơ bộ các bài thi môn toán đã chấm điểm tương đối thấp, tập trung nhiều ở hai mức điểm 3-4 và 5-6. Trong đó có khoảng 30% số bài đạt 5-6 điểm, số bài đạt điểm 8-9 rất hiếm. Đến nay trường mới ghi nhận một bài thi đạt 9 điểm. “Đề thi môn toán năm nay những câu đầu tương đối nhẹ nhàng nên học sinh trung bình có thể làm được, nhưng những câu cuối lại rất khó. Kết quả chấm trên thực tế ban đầu phản ánh rõ việc này” - ông Tùng nói.

Tại Trường ĐH Thủy lợi, công tác chấm thi cũng đang được triển khai với mục tiêu tiếp tục trở thành trường ĐH công bố điểm thi sớm nhất. Theo ông Trịnh Minh Thụ, phó hiệu trưởng nhà trường, chủ trương của hội đồng tuyển sinh sẽ giữ điểm chuẩn ở mức không dưới 15 điểm, ngay cả với ngành khó tuyển. Trong trường hợp tuyển không đủ chỉ tiêu NV1, trường sẽ xét tuyển NV2. Dự kiến những ngành đào tạo mới của nhà trường như kỹ thuật trắc địa bản đồ, thủy văn có điểm chuẩn mức thấp nhất cũng phải đạt 15-16 điểm.

Tại Trường ĐH Điện lực, hội đồng tuyển sinh nhà trường cũng xác định sẽ xét tuyển NV2 để tăng chất lượng nguồn tuyển. Theo ông Bùi Đức Hiền, ngành có điểm chuẩn thấp nhất vào trường dự kiến không dưới 16 điểm. Kinh nghiệm tuyển sinh năm 2013 cho thấy khi xét tuyển NV2, trường tuyển đủ chỉ tiêu và điểm chuẩn NV2 cao hơn 2-3 điểm so với NV1.

Còn ông Bùi Xuân Nhàn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại - cho hay điểm chuẩn của nhà trường dự kiến không biến động so với các kỳ tuyển sinh nhiều năm qua với phổ điểm chuẩn ngành thấp nhất không dưới 17,5 điểm và ngành có điểm chuẩn cao nhất (thường là kế toán, kinh tế) có thể lên đến 23,5 điểm. Trường ĐH Hà Nội vẫn giữ nguyên chủ trương chỉ tuyển NV1 cho đến khi đủ chỉ tiêu, kể cả tuyển sinh điểm chuẩn bằng điểm sàn thấp, chứ không xét tuyển NV2. Ông Lê Quốc Hạnh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội - cho biết với số lượng hồ sơ ảo giảm hẳn so với năm ngoái, tiên lượng điểm thi của thí sinh sẽ nhích hơn năm ngoái.

Trong khi đó ông Đỗ Ngọc Cẩn - hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy - cho biết với mặt bằng thí sinh dự thi vào trường năm nay, dự kiến điểm chuẩn vào trường sẽ có những biến động theo hướng đảo chiều giữa nữ và nam, điểm chuẩn cho nữ tăng và cho nam giảm. Năm 2013 điểm chuẩn vào trường với thí sinh nam là 22,5 điểm, thí sinh nữ 23,5 điểm. Còn năm 2014, dự kiến điểm chuẩn cho thí sinh nữ sẽ tăng lên 24-25 điểm và điểm chuẩn cho nam còn 22 điểm.

Lượng thí sinh giảm không ảnh hưởng đếm điểm chuẩn

Theo TS Nguyễn Quốc Chính - trưởng ban đại học và sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM, trong số các trường thành viên của đại học này, Trường ĐH Bách khoa dự kiến công bố điểm sớm nhất (ngày 20-7). Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ngày 14-7 bắt đầu chấm. Đến đầu tháng 8-2014 sẽ có một vài trường công bố điểm chuẩn dự kiến. Ông Chính cũng cho hay dựa trên kết quả thi mười năm nay điểm chuẩn của các trường dự kiến sẽ dao động 1-2 điểm.

“Tôi dự đoán điểm chuẩn các trường thi đợt 1 sẽ tương đương năm ngoái. Đợt 2 thí sinh cho rằng đề hơi khó nên có thể điểm sẽ giảm 0,5-1 điểm. Tuy nhiên với những ngành “hot” thì điểm chuẩn dự kiến cũng sẽ như năm ngoái”- ông Chính chia sẻ. Với thực tế tỉ lệ thí sinh dự thi vào một số trường thành viên của trường này trong hai đợt thi qua tương đối thấp, nhưng ông Chính cho rằng dù tỉ lệ thí sinh dự thi thấp như khoa y, tỉ lệ “chọi” vẫn còn 1/5, khá cao so với các trường khác. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - luật tỉ lệ dự thi cũng thấp nhưng tỉ lệ “chọi” của trường vẫn khá cao. “Tỉ lệ dự thi thấp chỉ là giảm số thí sinh ảo, chắc chắn việc này sẽ không ảnh hưởng đến điểm chuẩn của các trường này” - ông Chính khẳng định.

Nhiều trường dự kiến công bố sớm

Sáng 11-7, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu chấm môn toán. Nhà trường dự kiến ngày 20-7 sẽ chấm xong tất cả các môn. Trong khi đó Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM hiện mới triển khai làm phách bài thi. Dự kiến đến ngày 18-7 nhà trường mới bắt đầu chấm. Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho hay dù triển khai chấm trễ nhưng trường đảm bảo tiến độ công bố kết quả theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Trường ĐH Luật TP.HCM cũng bắt đầu chấm các môn thi tự luận (toán, văn, sử, địa) từ ngày 14-7. Với 135 cán bộ chấm thi và 14 cán bộ chấm kiểm tra, nhà trường dự kiến đến ngày 19-7 sẽ hoàn tất khâu chấm thi. Các môn trắc nghiệm nhà trường gửi sang ĐHQG TP.HCM chấm. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng bắt đầu chấm các môn trắc nghiệm từ ngày 14-7 và ngày 16-7 sẽ chấm các môn tự luận. Dự kiến ngày 25-7 nhà trường sẽ công bố điểm.

Theo NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm