Hãng tin Reuters cho biết, cách đây nhiều năm, cơ quan quản lý tài chính của New York (Mỹ) đã phạt 6 công ty bảo hiểm nhân thọ của Mỹ với số tiền 673.000 USD (tương đương 16 tỉ đồng).
Đồng thời cơ quan này cũng buộc các công ty phải hoàn trả 1,15 triệu USD cho khách hàng vì đã tự động chuyển chính sách bảo hiểm đã ký sang một chính sách khác có quyền lợi thấp hơn mà không có sự đồng ý của khách hàng.
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, bảo hiểm nhân thọ là một nghiệp vụ đặc thù thuộc dịch vụ tài chính. Chính tính đặc thù này nên có nhiều thuật ngữ chuyên môn, chuyên ngành sử dụng trong hợp đồng.
Do đó, đại lý bảo hiểm phải có trách nhiệm tư vấn, giải thích rõ cho khách hàng tham gia bảo hiểm từng nguyên tắc, điều khoản để hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm.
Trước khi phát hành hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm tóm tắt lại những điểm chính trong hợp đồng bảo hiểm với sự dễ hiểu và tiếp cận nhất cho khách hàng.
Người mua bảo hiểm có 21 ngày để cân nhắc có tham gia bảo hiểm hay không. Trong thời gian này kể từ khi phát hành hợp đồng, người mua bảo hiểm hoàn toàn có thể hủy bỏ hợp đồng và nhận lại phí bảo hiểm đã đóng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục việc hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm soát chất lượng đại lý tư vấn bảo hiểm.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc là cơ quan quản lý đóng vai người tham gia bảo hiểm tại các tổ chức đại lý để kiểm tra năng lực tư vấn của các đại lý bảo hiểm. Do đó, chúng tôi sẽ có các đoàn thanh kiểm tra, giám sát để đảm bảo các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tuân thủ quyền lợi khách hàng.
Về phía người mua bảo hiểm, cần có trách nhiệm với bản thân hơn trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm. Đó là cần hiểu rõ các quyền lợi của mình vì bảo hiểm cũng là một tài sản nên khi mua phải xem xét, cân nhắc kỹ" - bà Thu Phương nói.