Đại diện Hepza thông tin, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh trong năm 2017 đạt hơn 840 triệu USD, đạt 168% kế hoạch năm 2017 tăng 68% so với năm 2016. Trong đó đầu tư nước ngoài đạt hơn 391 triệu USD, đầu tư trong nước đạt hơn 448 triệu USD, tăng 83% so với năm 2017.
Tính đến cuối năm 2017, các KCX-KCN TP có gần 2.000 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 10 tỉ USD. Trong đó có 564 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỉ USD; 931 doanh nghiệp trong nước có tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỉ USD.
Theo đó, có bốn ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ cao gồm cơ khí, điện tử-tin học, hóa chất, chế biến lương thực-thực phầm và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ bốn ngành công nghiệp trọng yếu được tập trung thu hút đầu tư vào các KCX-KCN TP.
Ông Trần Việt Hà, Trưởng quản lý Đầu tư Hepza thông tin về tình hình đầu tư các dự án tại các KCX-KCN TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN
Về tổng vốn đầu tư tăng, ông Đào Xuân Đức, Phó trưởng Ban Hepza phân tích : “Nếu như các năm trước các nhà đầu tư nước ngoài lấn lướt đổ vốn đầu tư vào các KCX-KCN thì năm 2017 các nhà đầu tư trong nước tăng vốn đầu tư nhanh hơn với gần 500 triệu USD”.
Cạnh đó, Hepza đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ như đeo bám, phục vụ nhà đầu tư tìm hiểu cơ sở hạ tầng tại các KCX-KCN; tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình các nhà đầu tư triển khai dự án.
Dù đánh giá tình hình đầu tư khá khả quan, tuy nhiên Hepza cũng cho rằng thời gian qua, đã phát sinh một số khó khăn và kiến nghị các cơ quan chức năng nhưng chưa được tháo gỡ như kết nối với hạ tầng ngoài hàng rào các KCX-KCN, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước các đường dẫn vào cảng.
Đáng quan tâm, một số dự án quyết tâm đầu tư vào các KCX-KCN TP, tuy nhiên ngành nghề ô nhiễm doanh nghiệp không có biện pháp xử lý, hoặc ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xung quanh, nguy cơ cháy nổ cao, ngành nghề không phù hợp với quy hoạch ngành nghề TP (gồm hóa chất, vật liệu xây dựng, sắt thép) cần lấy ý kiến từ các bộ, ngành.