Theo đó, VPBank sẽ giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm.
Cụ thể, để hỗ trợ người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại nhiều tỉnh thành phố, VPBank sẽ giảm 1%/năm lãi suất hiện hữu với các khoản vay trung, dài hạn và 0,5% lãi suất với khoản vay ngắn hạn cho các khách hàng cá nhân có tài sản bảo đảm.
Chính sách hỗ trợ giảm lãi suất của VPBank được áp dụng từ ngày mai 13-9 đến hết 31-12-2024, áp dụng tại tất cả các tỉnh thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái…
Tương tự trong chiều nay, ngân hàng MSB cũng thông báo giảm 1%/năm lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Đối tượng được hưởng ưu đãi là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vay vốn, thỏa mãn các điều kiện của chương trình sẽ được hỗ trợ các gói vay phù hợp.
Cụ thể, từ nay đến 31-12-2024, MSB điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại MSB với thời gian vay lên đến 60 tháng.
Trước đó, vào ngày 9-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng như giám đốc NHNN chi nhánh tại 35 tỉnh, thành phố chịu thiệt hại do cơn bão số 3.
Trong đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đồng thời xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Các chi nhánh ngân hàng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm bắt đề xuất của khách hàng.
"Đồng thời trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc, xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi… Ngoài ra, các NHNN chi nhánh cũng cần nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với địa phương của mình", ông Tú nói.