Đã có ngân hàng triển khai QĐ 2345, khách hàng xác thực giao dịch giá trị cao bằng sinh trắc học

(PLO)- Ngay từ thời điểm này, các khách hàng của TPBank đã có thể bắt đầu đăng ký dữ liệu sinh trắc học, gồm dữ liệu khuôn mặt/vân tay đồng bộ với thông tin Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, để sử dụng trong xác thực giao dịch giá trị cao thông qua App TPBank và các điểm giao dịch của Ngân hàng.

Đây là bước đi nhanh chóng và cần thiết của TPBank với mục tiêu đảm bảo trải nghiệm thuận tiện và liên tục trên các nền tảng số cũng như tăng cường bảo mật, bảo vệ khách hàng trong các giao dịch chuyển tiền, đáp ứng Quyết định 2345 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.

Triển khai sớm để bảo vệ khách hàng tốt hơn

Quyết định 2345 của NHNN yêu cầu các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử có giá trị cao trên 10 triệu đồng/lần, hoặc vượt quá 20 triệu đồng/ngày, thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của thẻ CCCD từ ngày 1-7-2024. Theo đó ngân hàng sẽ cần ghi nhận và xác thực các dữ liệu sinh trắc học của khách hàng và đối chiếu trùng khớp với cơ sở dữ liệu (CSDL) của Bộ Công an. Đây là một trong những giải pháp đảm bảo an toàn, xác thực nâng cao cần thiết trong thời điểm các vụ gian lận và lừa đảo giao dịch có dấu hiệu tăng mạnh, đồng thời được xem là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hóa quy trình định danh khách hàng.

Sở hữu tệp khách hàng trẻ đông đảo ưa chuộng trải nghiệm số mới mẻ với trên 97% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số, TPBank càng nhận diện rõ nét sự cấp thiết của việc thực thi QĐ 2345 để bảo vệ khách hàng khi giao dịch trực tuyến. Tiên phong đồng bộ các giải pháp, ngay từ tháng 3-2024, 100% cán bộ nhân viên TPBank đã cập nhật và sử dụng dữ liệu sinh trắc học trong xác thực các giao dịch chuyển tiền và thanh toán, để đảm bảo công tác vận hành và xác thực chính xác, ổn định trước khi chính thức triển khai tới hơn 12 triệu khách hàng của Ngân hàng. Không cần đợi đến ngày 1-7, ngay từ thời điểm này, khách hàng của TPBank đã có thể đăng ký dữ liệu sinh trắc học (cập nhật khuôn mặt, vân tay) để sử dụng trong xác thực giao dịch giá trị cao. Việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học từ trước cả thời điểm quy định mới có hiệu lực không chỉ sớm tăng cường bảo mật cho khách hàng mà còn giúp khách hàng chủ động thời gian đăng ký, tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước ngày hiệu lực.

Chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng là kênh giao dịch chính trong sinh hoạt hàng ngày và ở cửa hàng, chị Mai Thanh hiện đang là chủ shop kinh doanh ở TP.HCM cảm thấy rất vui mừng trước thông tin này. “Các chiêu lừa đảo giờ ngày càng tinh vi nên biết tin là mình xuống LiveBank 24/7 ngay sảnh chung cư đăng ký liền, thêm bước xác thực gương mặt bảo vệ an toàn hơn nên phải làm lẹ cho an tâm, đặc biệt là với các giao dịch hàng hóa với số tiền lớn” – chị Mai vui vẻ chia sẻ.

Đa dạng kênh đăng ký với nhiều ưu thế từ kênh ngân hàng số

Công nghệ sinh trắc học toàn diện trong nhận diện, xác thực và bảo mật đã hiện diện ở TPBank từ nhiều năm nay. Sự đồng nhất trong chiến lược phát triển dựa trên nền tảng công nghệ tân tiến song hành với xu thế ứng dụng của tương lai đã giúp hàng triệu khách hàng TPBank không gặp bất cứ trở ngại nào trong giao dịch xuyên suốt đa kênh kênh từ quầy giao dịch tới các kênh số. Hơn thế, các lợi thế ưu việt của sinh trắc học cũng nâng tầm trải nghiệm sản phẩm dịch vụ số khi khách hàng cần chuyển tiền, mở tài khoản, mở thẻ, gửi tiết kiệm, … trên App TPBank hay khi đến giao dịch tại Ngân hàng tự động LiveBank 24/7 cũng chỉ cần vài giây xác thực mà không cần mang bất cứ loại giấy tờ nào, đảm bảo giao dịch an toàn, nhanh chóng và thuận tiện.

Thực thi quyết định 2345 của NHNN, khách hàng của TPBank có thể dễ dàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học của mình ở bất cứ đâu vì có tới 3 hình thức để khách hàng lựa chọn: App TPBank, gần 500 điểm giao dịch tự động LiveBank 24/7 và hơn 100 quầy giao dịch TPBank trên toàn quốc. Khách hàng chỉ mất khoảng 3 phút cho lần đăng ký đầu tiên và mỗi giao dịch cần xác thực chỉ tốn thêm thời gian tương đương một “cái chớp mắt” là một lớp bảo vệ nâng cao đã được thiết lập cho giao dịch của khách hàng thêm phần bảo mật. Nếu lựa chọn App TPBank là kênh cập nhật thông tin, khách hàng chỉ cần cập nhật phiên bản mới nhất, đăng nhập app, chọn “Cập nhật khuôn mặt” ngay trang chủ hoặc ở mục “Cài đặt” và làm theo hướng dẫn. Hoặc khách hàng cũng có thể đem theo CCCD tới điểm giao dịch LiveBank 24/7 gần nhất, chọn “Cập nhật CCCD, khuôn mặt” ngay màn hình chính hoặc tới các chi nhánh/PGD TPBank để được nhân viên hướng dẫn.

Đại diện TPBank chia sẻ: “Giao dịch thông suốt và đảm bảo an toàn tuyệt đối luôn là ưu tiên được TPBank đặt lên hàng đầu. Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng quyết định 2345 của NHNN đi vào thực hiện sẽ là một trong những biện pháp xác thực quan trọng góp phần bảo vệ an toàn tiền gửi của khách hàng trong hệ thống các ngân hàng.”

Với các giải pháp số sáng tạo, đi đầu thị trường, các sản phẩm, dịch vụ của TPBank luôn được khách hàng đón nhận và đánh giá tích cực. Mới đây, tại Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Sao Khuê 2024, TPBank xuất sắc ghi tên mình trong 3 lĩnh vực: Ngân hàng số, Đổi mới sáng tạo và Giải pháp thúc đẩy tiếp cận số nhờ những nỗ lực đổi mới không ngừng đóng góp thiết thực vào đời sống số của hàng triệu khách hàng Việt. TPBank cũng vừa cùng với Backbase - hãng công nghệ cung cấp nền tảng ngân hàng tương tác hàng đầu thế giới nhận được giải thưởng "Giải pháp Trải nghiệm khách hàng số đa kênh tốt nhất" tại lễ trao giải The Digital CX Awards 2024.

Ngày 8-5, tại sự kiện Chuyển đổi số Ngành ngân hàng 2024 diễn ra tại Hà Nội, ngân hàng tự động LiveBank 24/7 tại gian triển lãm của TPBank sẽ vinh dự được thuyết trình và thực hiện tính năng đăng ký nhận diện gương mặt đồng bộ với CCCD và cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an với sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ và các bộ ban ngành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới