Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh vụ bà Nguyễn Thị Ước (Chơn Thành, Bình Phước) từng bị oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (năm 2009) nay lại bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điều trớ trêu là trong vụ án sau, chính điều tra viên (ĐTV) đã làm oan vụ đầu tiếp tục được phân công điều tra (xem bài “Gặp “oan gia ngõ hẹp” khi đáo tụng đình”). Nhiều ý kiến cho rằng không nên để ĐTV này tiếp tục điều tra vì không có gì để đảm bảo sự vô tư, khách quan khi xử lý vụ án.
Thiếu người nhưng cũng phải tránh
Theo tôi, bản thân người tiến hành tố tụng mà cụ thể trong vụ này là ĐTVnên tự đề xuất rút khỏi vụ án dù luật không cấm họ tiến hành. Bởi dù sao thì vụ án trước bị cáo cũng đã bị làm oan rồi. Trong mối quan hệ giữa hai bên đã có những điều không hay, nếu tiếp tục vụ án mới thì sẽ không tốt cho bản thân họ.
Tôi cũng hiểu cái khó là các cơ quan tố tụng cấp huyện thường khó khăn về nhân sự, thiếu người nên đòi hỏi không có sự trùng lắp thì cũng khó. Tuy nhiên, nói gì thì nói, đẩy họ vào tình huống này thì không nên. Luật đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải thực sự thoải mái, công tâm nhưng với tình huống hi hữu này, ĐTV có vô tư, khách quan hay không thì cũng chỉ mình bản thân họ biết. Do vậy để tránh những tình huống đáng tiếc, cần thiết phải thay đổi người điều tra.
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An
Bà Ước và con trai trong buổi xin lỗi vì bị làm oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào năm 2009. Ảnh: NTG
Phải quy định rõ trong luật
Tôi cũng cho rằng về pháp luật, người từng điều tra vụ án trước gây oan cho một người, sau này được phân công điều tra lại người đó trong một vụ án khác thì không vi phạm vì không có quy định cấm họ làm điều đó. Nếu cho rằng họ không vô tư khi thực hiện nhiệm vụ theo Điều 14 BLTTHS thì cũng không hẳn vì không có gì chứng minh vấn đề thuộc về suy nghĩ của con người. Không thể dùng ý chí của người này đặt vào người khác rồi đưa ra kết luận, trong khi những thứ thuộc về tư tưởng thì không bao giờ rõ ràng.
Tuy nhiên, xét về góc độ đạo đức, tư cách và nghiệp vụ thì không nên vì dư luận luôn đặt ra câu hỏi liệu họ có thể vô tư khách quan được hay không. Một khi đã thấy không vô tư thì có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Thực tế trong vụ án trước, quá trình điều tra đã không khách quan dẫn đến việc làm oan người vô tội. NgườiĐTV đó nên tránh trong những lần tiếp theo. Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng cũng nên để ý tránh phân công. Bản thân người tiến hành tố tụng khi gặp “người quen” nên từ chối, đề nghị đổi người khác thay mình.
Tôi nghĩ đến lúc luật phải quy định rõ trường hợp này theo hướng nếu gặp trường hợp tương tự thì sẽ bị cấm không được tiến hành tố tụng từ điều tra, truy tố cho đến xét xử. Thực tế có thể sẽ gặp nhiều trường hợp như trên vì một người có thể nhiều lần phải hầu tòa.
Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Người dân sẽ lấn cấn, không phục Tôi không am tường về pháp luật nhưng đọc xong vụ này cũng thấy lấn cấn. Một ĐTV từng bị tố là không khách quan, sau đó là có kết luận chính thức làm oan cho bà Ước nhưng nay lại tiếp tục điều tra lại bà này trong vụ án khác thì thử hỏi sao mà không lợn cợn được. Cho dù vị ĐTV trước sau vẫn làm đúng pháp luật nhưng người dân như tôi thấy không làm hay hơn, làm mang tiếng. Mặt khác cũng phải nghĩ cho bà Ước nữa chứ. Bà trước sau kêu oan mà. Đưa một ĐTV khác vào điều tra chắc chắn rằng bà Ước sẽ tâm phục khẩu khục hơn, không nại lý do này nọ cho là mình đang bị “xử ép”. Tôi thấy cách phân công ĐTV như trong vụ án này là không hợp lý chút nào. Mong rằng cơ quan điều tra phải kỹ lưỡng hơn. Dân gian thường bảo chuyện gì làm “có lý, có tình” thì người ta phục hơn là chỉ có một trong hai. TRẦN NGỌC ĐỨC, quận 3, TP.HCM |