Đà Nẵng: Các tổ trưởng 'đến từng ngõ, gõ từng nhà' giúp dân vay vốn

(PLO)- Sau hơn 20 năm hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Đà Nẵng đã xây dựng được mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) đến từng thôn, tổ dân phố trên toàn TP.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hoạt động của Tổ TK&VV đã khẳng định được vai trò, vị trí góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội của TP.

140.508 người thụ hưởng chính sách

Định kỳ đến trước ngày giao dịch xã hàng tháng, các Tổ TK&VV tổ chức sinh hoạt Tổ để phổ biến các chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi và chia sẻ các mô hình sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng kinh tế cao. Các khoản nợ đến hạn cũng được Tổ trưởng nhắc nhở kịp thời. Không những thế, các hộ có khó khăn hoặc gặp rủi ro cũng được thông tin kịp thời để báo cáo các cấp xử lý…

Bà Trương Thị Hồng làm tổ trưởng Tổ TK&VV trên 19 năm, với nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách

Bà Trương Thị Hồng làm tổ trưởng Tổ TK&VV trên 19 năm, với nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách

Giai đoạn 2018-2023, thông qua hoạt động của mạng lưới Tổ TK&VV đã giúp chuyển tải 6.859 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách đến tận tay 140.508 người thụ hưởng.

Đến 31-7, tổng dư nợ cho vay thông qua Tổ TK&VV đạt 4.363 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,46% trong tổng dư nợ của NHCSXH, tăng 2.725 tỷ đồng so với đầu năm 2018. Hiện có 1.880 Tổ TK&VV với 83.082 khách hàng vay vốn tại 56 xã, phường. Toàn TP Đà Nẵng có 1.880 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 1.828 tổ không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 97,23%/tổng số tổ.

Kết quả chấm điểm đến 31-7, toàn thành phố có 1.880 Tổ TK&VV, trong đó: Tổ tốt là 1.830 tổ chiếm 97,34% so với tổng số tổ được chấm điểm; Tổ khá là 46 tổ chiếm 2,44% so với tổng số tổ được chấm điểm; Tổ trung bình là 4 tổ chiếm 0,21% so với tổng số tổ được chấm điểm; Không có Tổ yếu kém.

Giai đoạn 2018-2023, Tổ TK&VV đã cùng NHCSXH triển khai một số chương trình tín dụng như : năm 2018 triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội; năm 2020 triển khai cho vay để cho các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất tái định cư vay trả nợ đúng hạn và các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện giải tỏa, di dời nhà vay xây nhà để ở.

Năm 2021 cho vay người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Năm 2022 triển khai cho vay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Đóng góp quan trọng giúp dân giảm nghèo

Theo Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, giai đoạn 2018-2023, tín dụng chính sách xã hội thông qua Tổ TK&VV đã giúp trên 8.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo tiếp cận vốn vay bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho gần 110.000 lao động; gần 4.000 HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng hơn 12.000 công trình nước sạch, hơn 12.000 công trình vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang, trên 1.000 khách hàng vay vốn nhà ở xã hội...

Bà Đỗ Thị Nhương làm tổ trưởng Tổ TK&VV từ năm 2013 đến nay, bà đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách

Bà Đỗ Thị Nhương làm tổ trưởng Tổ TK&VV từ năm 2013 đến nay, bà đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách

Việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của TP, xây dựng TP “4 an”.

“Đạt được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của NHCSXH còn có sự vào cuộc ngày càng quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác. Các cấp đã cùng nhau có nhiều biện pháp tích cực chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của Ban quản lý TK&VV không quản ngại khó khăn, kề vai, sát cánh vì mục tiêu “giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Minh cho hay.

Ngoài ra, hoạt động tín dụng chính sách xã hội thông qua Tổ TK&VV đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, là một trong những công cụ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Đến 31-7-2023 nợ quá hạn 1.157 triệu đồng (giảm 2.610 triệu đồng so với đầu năm 2018); tỷ lệ nợ quá hạn 0,027% (giảm 0,203% so với đầu năm 2018). Nợ khoanh 797 triệu đồng (giảm 893 triệu đồng so với đầu năm 2018); tỷ lệ nợ khoanh 0,018% (giảm 0,085% so với đầu năm 2018).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm