Đà Nẵng cho tăng giá dịch vụ du lịch tới 1,5 lần để "đánh" thuế

Theo thông tin đưa ra tại Hội nghị "Chống thất thu thuế năm 2014" do Cục Thuế thành phố Đà Nẵng tổ chức mới đây, năm 2013, ngành Thuế Đà Nẵng đã tổ chức thanh, kiểm tra tại 1.939 doanh nghiệp trên địa bàn; xử lý truy thu, tăng thu và phạt 132 tỷ đồng; giảm lỗ 167,9 tỷ đồng; giảm khấu trừ 7,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, qua kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đã ra thông báo tăng thu hơn 5 tỷ đồng, giảm khấu trừ 532 triệu đồng và giảm lỗ 2,7 tỷ đồng. Với việc tập trung đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc thu nợ theo quy trình quản lý nợ và triển khai quyết liệt các biện pháp thu nợ thuế, Đà Nẵng đã thu được 80% nợ có khả năng thu của năm 2012 chuyển sang năm 2013.

Năm 2014 này, ngành Thuế Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra theo chuyên đề tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, tiềm ẩn khả năng thất thu thuế như doanh nghiệp lỗ liên tục, âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hoàn thuế lớn, doanh nghiệp chấp hành không tốt chế độ hóa đơn chứng từ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá...

Đồng thời, sớm xây dựng phần mềm đối chiếu hóa đơn giữa các đơn vị trong ngành để phát hiện các trường hợp mua, bán hóa đơn, trốn thuế, chiếm dụng tiền hoàn thuế thông qua sử dụng hóa đơn bất hợp pháp... 

Đà Nẵng đã cho phép tăng giá tối đa 1,5 lần với 

Đà Nẵng đã cho phép tăng giá tối đa 1,5 lần với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch trong mùa cao điểm hay lễ hội.

Ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng cho hay, bên cạnh các giải pháp khác, năm nay, ngành Thuế sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thất thoát lớn như dịch vụ ăn uống, nhà hàng, du lịch. Hiện nay, Đà Nẵng đang thất thu ngân sách trong các lĩnh vực trên.

Theo đánh giá của đại diện Cục Thuế, những năm qua, thành phố đã đầu tư nhiều cho ngành du lịch, dịch vụ nhưng nguồn thu chưa tương xứng với đầu tư. Lý giải điều này, ông Miên nói, doanh nghiệp tự kê khai thuế dựa trên hóa đơn đầu ra; tuy nhiên người dân lại chưa có thói quen lấy hóa đơn sau khi sử dụng dịch vụ ăn uống, lưu trú hay khi người dân, tổ chức có nhu cầu thì doanh nghiệp lại cố tình không cung cấp hoá đơn bằng nhiều lý do.

Để giải quyết vấn đề này, đại diện Chi cục Thuế quận Sơn Trà góp ý, cần lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất việc xuất hoá đơn, kê khai thuế vào các giờ cao điểm tại các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống; nếu phát hiện sai phạm thì cơ quan thuế có quyền ấn định mức thuế.

Về lĩnh vực khách sạn, cần tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan Thuế và Công an địa phương để nắm rõ lượng khách lưu trú. Qua đó, đấu tranh xử lý đối với các đơn vị cố tình khai man công suất buồng phòng, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch sắp tới của thành phố.

Phó Giám đốc Công an thành phố Lâm Cao Luynh đề nghị tăng mức thuế đối với một số ngành như nhà hàng, ăn uống; điều này vừa giúp tăng thu ngân sách vừa góp phần giải quyết an ninh xã hội. Đồng quan điểm trên, đại diện Cục Quản lý Thị trường thành phố cho rằng, nên đánh thuế theo mùa ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; trong mùa cao điểm du lịch nên tăng thuế và ngược lại.

Cũng tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, ông Võ Duy Khương, đã yêu cầu các lực lượng chức năng thành phố tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành làm tốt công tác thanh kiểm tra nhằm chống thất thu thuế. Ông Khương lưu ý Cục Thuế định kỳ tổng hợp danh sách các doanh nghiệp chây lỳ nợ thuế đồng thời gởi các ngành liên quan như Công an, Kế hoạch Đầu tư.. để có cơ chế phối hợp tốt hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đề nghị Công an thành phố thực hiện khởi tố đối với các doanh nghiệp nợ thuế bỏ trốn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp với ngành Thuế trong cung cấp hoặc phong toả tài khoản doanh nghiệp có nợ thuế nhiều năm.

Về thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xây dựng tư nhân, ông Khương thống nhất quan điểm không tăng thêm thủ tục hành chính nhưng yêu cầu người dân, tổ chức xuất trình biên lai thu thuế thì mới được cấp sổ.

Đối với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, thành phố đã cho phép tăng giá tối đa 1,5 lần trong mùa cao điểm hay lễ hội thì khi đó thuế cũng sẽ tăng tương ứng và ngược lại vào mùa thấp điểm để thực hiện chính sách kích cầu. Cục Thuế Đà Nẵng được giao phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các UBND quận triển khai cụ thể chủ trương này.

Theo Bích Diệp (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm