Có hai vấn đề chính được tranh luận là thuế đối với thuốc lá (từ 65% lên 75% vào 1-7-2015 và lên 85% từ 2018) và nước ngọt có ga không cồn (hiện không đánh thuế, theo dự thảo thì thuế 10%).
Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cùng các doanh nghiệp thuốc lá cho rằng việc tăng thuế sẽ khiến giá bán sản phẩm phải tăng theo, khi đó người hút thuốc sẽ chọn thuốc lá lậu khiến buôn lậu thuốc lá tăng theo.
Tuy nhiên, bà Phạm Hoàng Anh, đại diện tổ chức Healthbridge và bà Phan Thị Hải, đại diện Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), đưa ra các dẫn chứng cho thấy tác hại của thuốc lá và việc tăng buôn lậu là do gu hút thuốc chứ giá bán các nhãn hiệu thuốc buôn lậu chính không thấp, lẽ ra nên đánh thuế cao hơn nữa.
Về thuế đối với nước ngọt có ga, tờ trình của Bộ Tài chính cho rằng sản phẩm này kích thích vị giác, dễ dẫn đến lạm dụng, có hại cho sức khỏe, cần áp thuế và thuế 10% tác động không nhiều đến doanh nghiệp mà có ý nghĩa cảnh báo về tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Mason Cobb, đại diện Nhóm chăm sóc sức khỏe của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), phản biện toàn bộ nội dung cảnh báo sức khỏe mà tờ trình đưa ra như béo phì, mỡ máu, tiểu đường, gout... “Nếu thấy băn khoăn về ảnh hưởng của ga đối với sức khỏe thì có lẽ cũng phải xem thêm ảnh hưởng của đường trong các sản phẩm nước giải khát khác. Đánh thuế với nước ngọt có ga mà không đánh thuế nước ngọt không ga là bất hợp lý” - ông Mason Cobb cho biết.
Công ty Kiểm toán Price Water House Coopers dẫn chứng một số nước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho tất cả đồ uống chứ không áp riêng cho nước ngọt có ga không cồn. Một số nước từng áp thuế đã dỡ bỏ hoặc giảm thuế. Do đó, công ty này cho rằng dự thảo áp thuế chỉ riêng một nhóm trong rất nhiều loại nước giải khát có thể sẽ khiến chính sách thuế không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Q.NHƯ