Sáng 29-3, Ban Dân vận Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai Đề án một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2030.
Đà Nẵng triển khai gần 670 mô hình dân vận khéo. Ảnh: NGÔ QUANG. |
Nhiều mô hình tiêu biểu
Theo Ban Dân vận Thành uỷ Đà Nẵng, qua hơn 12 năm, phong trào thi đua “Dân vận khéo” triển khai hơn 670 mô hình trên địa bàn TP và đạt được những kết quả nhất định trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, 16 mô hình tiêu biểu được nhân rộng trong dịp này.
Bà Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho hay, tháng 7-2021 xuất phát từ thực tiễn, Ban Thường vụ Thành đoàn cho ra đời mô hình “Chúng con luôn bên Mẹ” nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công.
Mô hình được duy trì thường xuyên hai tháng/lần tại nhà của 98 Mẹ Việt Nam Anh Hùng và nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên thanh niên.
“Bên cạnh thăm, khám sức khoẻ cho Mẹ, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, lau chùi bàn thờ Liệt sĩ, các đoàn viên thanh niên còn thăm hỏi, trò chuyện, nấu bữa cơm và dùng cơm với Mẹ”, bà Thảo chia sẻ.
Mô hình “Chúng con luôn bên Mẹ” nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên thanh niên.Ảnh: NQ |
Theo bà Ngô Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hoà Liên (huyện Hoà Vang), địa bàn xã có 40 dự án với 350 hộ dân nằm trong diện giải toả. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn được các cấp chính quyền của địa phương tập trung triển khai.
“Xác định GPMB là công việc khó khăn, thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, khó lường, Hội LHPN xã Hoà Liên luôn bám sát cơ sở, có mặt trước những vụ việc phức tạp để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để tháo gỡ những nút thắt trong quá trình triển khai”, bà Hà cho hay.
Cũng theo bà Hà, “Dân vận khéo” trong công tác GPMB sẽ tạo được sự đồng thuận của các hộ dân trong khu vực giải tỏa. Từ đó người dân chấp hành bàn giao mặt bằng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngoài ra, muốn phát huy hiệu quả mô hình này cần đề cao vai trò đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền địa phương và nhân dân. Phải làm sao để người dân hiểu đúng, đủ các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, giải quyết vấn đề từ gốc sẽ tháo gỡ khó khăn.
Biện pháp tối ưu để nhân dân đồng thuận
Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Đà Nẵng Lê Văn Trung cho hay, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án 04 về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
“Phong trào thi đua dân vận khéo với những phương thức dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện sẽ góp phần huy động sức mạnh tổng thể của mỗi người dân, các cấp ngành đoàn thể nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của TP” ông Trung nói.
Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đã chọn ra 16 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn thành phố để trao bảng biểu trưng, nhằm ghi nhận hiệu quả, ý nghĩa thiết thực và sức lan tỏa của các mô hình.Ảnh: NGÔ QUANG |
Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể cần xác định rõ quan điểm “Dân vận khéo” là biện pháp tối ưu để huy động nguồn lực, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Việc này gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và bài học lịch sử mà cha ông ta đã để lại: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Ông Triết đề nghị Ban Dân vận Thành uỷ tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án 04.
Trong đó, các đơn vị chú trọng lựa chọn, nhân rộng mô hình có hiệu quả, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai đối với 16 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, hoàn thành trong quý II-2023.