Chiều 27-11, trao đổi với PLO, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng, xác nhận như trên.
Theo đó, tờ trình về việc thông qua đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng tại TP Đà Nẵng năm 2019 do ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP, ký gửi HĐND TP hôm qua (26-11), hai cái tên Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina đã không có trong danh sách.
Khu vực dẫn vào phía đông nam Đài tưởng niệm liệt sĩ (quận Hải Châu), nơi từng được đề xuất đặt tên đường hai giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ. Ảnh: TẤN VIỆT
Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina được cho là hai giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ. Vì vậy, Sở VH&TT từng đưa tên hai ông vào danh sách đề án mới, dự kiến đặt tên cho tuyến đường dẫn vào khu vực phía đông nam Đài tưởng niệm liệt sĩ (quận Hải Châu).
Tuy nhiên, sau đó PGS-TS Lê Cung (Trường ĐH Sư phạm Huế) cùng 11 nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử khác (phần lớn công tác tại Huế) cùng ký đơn kiến nghị Đà Nẵng không nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.
Quan điểm của nhóm nghiên cứu này là không phủ nhận công lao truyền bá chữ quốc ngữ vào Việt Nam của hai giáo sĩ trên. Nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng họ không phải là người sáng tác ra chữ quốc ngữ, đồng thời việc truyền bá chữ quốc ngữ vào Việt Nam là nhằm dọn đường cho thực dân Pháp xâm lược nước ta.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, trước các ý kiến trái chiều, Sở VH&TT phải căn cứ theo quy định tại Nghị định 91 của Chính phủ để dừng lại với những tên đường đang tranh cãi.
“Bây giờ dừng luôn theo Nghị định 91, chưa biết khi nào đề xuất đặt lại nhưng có khi cả chục năm sau” - ông Hùng nói.
Việc dừng đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina đang làm dấy lên những cuộc tranh cãi không ngừng trên mạng xã hội. Trong đó có nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM đã đặt tên đường Alexandre de Rhodes từ lâu, tại sao Đà Nẵng phải lừng khừng?
Được biết tại tờ trình gửi kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2019, UBND TP đề nghị đặt, đổi tên cho 113 đường và một công trình công cộng, trong đó có 24 đường được đặt tên nhân vật lịch sử.