Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các tướng Đào Trí, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đầu kháng chiến chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha giai đoạn 1858-1860.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, lãnh đạo TP Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các nhà khoa học cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân TP Đà Nẵng.
Ôn lại lịch sử hào hùng của quân và dân Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nói 160 năm trước, rạng sáng 1-9-1858, đại bác từ tàu chiến liên quân Pháp-Tây Ban Nha khai hỏa trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây vào Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng ôn lại quá khứ hào hùng của quân và dân Đà Nẵng trong ngày đầu kháng Pháp.
Quân giặc với hỏa lực áp đảo, lực lượng chính quy đã nhanh chóng tấn công, chiếm các vị trí phòng thủ trọng yếu của ta. Tuy nhiên, với tinh thần bất khuất, trung kiên, ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, quân dân ta dưới sự chỉ huy lần lượt của các tướng Trần Hoằng, Đào Trí, Lê Đình Lý đã kháng cự một cách anh dũng, ngoan cường.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm các tướng lĩnh, nghĩa sĩ thời kỳ đầu kháng Pháp.
Đặc biệt, khi danh tướng Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, cục diện trận chiến đã thay đổi. Ông cho thực hiện chiến lược phòng thủ tích cực, chủ trương bao vây, ngăn chặn địch trên sông Hàn, thực hiện “vườn không nhà trống”, lập phòng tuyến Liên Trì, huy động nhân dân sẵn sàng chống giặc, tổ chức phục kích để kiềm chế, không cho địch tiến vào sâu nội địa, bẻ gãy ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của kẻ thù. Lâm vào thế bị động, lại thêm phong thổ khí hậu khắc nghiệt, phần lớn quân địch đã chết vì đói, bệnh tật.
Thế hệ trẻ TP đã thắp hàng trăm ngọn nến tri ân công lao của các anh hùng, nghĩa sĩ.
Với sự chiến đấu dũng cảm của quân dân Đà Nẵng, sự đồng tâm ủng hộ của nhân dân cả nước, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng sau 18 tháng 22 ngày tham chiến. Đây là thắng lợi duy nhất của quân dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược, là nét son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nói 160 năm đã trôi qua nhưng sự kiện người Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu đã đi vào tâm thức của hậu thế bằng niềm tự tôn dân tộc. Tiếp bước tiền nhân, nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng với ý chí “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, lớp cha trước, lớp con sau đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, đoàn kết, buộc những kẻ thù mạnh phải cúi đầu.
“Chúng ta hãy đồng tâm, hiệp lực, tận dụng cơ hội, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để gìn giữ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, với vị trí chiến lược của Đà Nẵng, chúng ta hãy noi gương cha ông, luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước trước mọi âm mưu xâm lược của các thế lực bên ngoài” - ông Dũng nói.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động.
Cũng tại buổi lễ đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật hợp ca "Vị quốc vong thân", nghi thức Lễ tế nghĩa sĩ Đà Nẵng. Ngoài ra, các đại biểu, lãnh đạo TP và người dân đã đến dâng hương tại các phần mộ trong khu di tích Nghĩa trũng Hòa Vang.
Khu di tích Nghĩa trũng Hòa Vang được xây dựng vào năm 1866 tại làng Nghi An, thuộc tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 nghĩa sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng Pháp (1858-1860). Khu di tích này được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1999.