Ít ai nhớ còn có một trận chiến hào hùng ngày 17-2 khác diễn ra ở Sài Gòn cách nay 157 năm: Trận chiến thành Gia Định.
Tháng 8-1858, dưới quyền chỉ huy của Đô đốc De Genouilly, khoảng 3.000 quân Pháp với 14 chiến thuyền ập vào vịnh Đà Nẵng nổ súng, chiếm cảng thị Đà Nẵng tương đối dễ dàng. Nhưng khi kéo quân vào nội địa thì chúng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quan quân nhà Nguyễn và lực lượng dân binh, thêm vào nữa quân Pháp bị dịch tả và sốt rét chết còn nhiều hơn là bị tử trận.
Khúc bi tráng ở thành Gia Ðịnh
Trước tình hình đó, De Genouilly quyết định kéo quân vào Nam. Tháng 2-1859, De Genouilly rút phần lớn quân Pháp ở Đà Nẵng tiến đánh Nam Bộ. Ngày 9-2-1859, quân Pháp đến Vũng Tàu, đoạn đường sông chỉ khoảng 30 km nhưng Pháp phải mất tám ngày mới đến được rạch Bến Nghé, chân thành Gia Định bởi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của 12 đồn binh và ba phòng tuyến chốt chặn trên biển của quân nhà Nguyễn và dân binh từ cửa biển theo dọc sông. Người Pháp ghi nhận “người Việt Nam tự vệ mạnh mẽ, đường đạn của họ không phải là không chính xác, tàu La Dragonne bị trúng ba phát đạn, tàu Avalanche bảy phát”.
Ngày 17-2-1859, khoảng 4 giờ sáng, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công vào góc Đông Nam thành Gia Định (trực diện đường Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng và dọc mạn đường Lê Duẩn hiện nay). Phía Pháp có hai trung đoàn bộ binh với hơn 2.000 quân, trong đó có 1.000 lính pháp, 550 lính Tây Ban Nha, 450 lính Philippines và tám tàu chiến, hai tàu vận tải, hàng chục đại bác. Phía quân nhà Nguyễn ở trong thành Gia Định với quân số hơn 2.000, đại bác có 200 khẩu súng thần công, thuốc súng 80.000 kg, nhiều bạc nén, thóc đủ nuôi một vạn quân trong một năm.
Tàu chiến Pháp từ rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn bắn đại bác cấp tập vào thành nhằm phủ đầu quân hộ thành. Quân bộ binh tràn lên vây thành. Quân hộ thành bắn đạn nổ, phóng lao, ném đá, đổ dầu nóng, phun lửa xuống chặn quân Pháp. Quân Pháp sử dụng đại bác bắn thẳng vào cửa thành, đưa chất nổ áp sát để phá thành. Cửa cổng thành phía Đông bằng gỗ dày nhưng không chịu được sức công phá của đại bác (loại nòng pháo có rãnh, đạn có các tút, đầu đạn nổ khi chạm mục tiêu) nên bị phá vỡ, đồng thời giặc Pháp cho lính bộ binh bắc thang trèo vào thành. Pháo trên thành dội xuống tàu địch đậu ở phía rạch Thị Nghè (Thảo Cầm Viên ngày nay) nhưng súng thần công của nhà Nguyễn lúc đó bắn đạn tròn làm bằng gang bỏ đầu nòng, nhồi thuốc và đốt bằng dây mồi nên có tầm bắn ngắn, sức công phá yếu, độ sai lạc lớn cho nên không bắn chìm được chiếc tàu nào. Súng của binh lính nhà Nguyễn cũng lạc hậu, thao tác rất chậm cho nên không địch lại được các loại súng hiện đại của quân đội Pháp khi đó. Hơn 800 quân Pháp-Tây Ban Nha do Trung tướng Rigault de Genouilly tràn vào thành và một trận chiến xáp lá cà trong thành đã diễn ra ác liệt. Bằng tất cả vũ khí có trong tay, quân nhà Nguyễn đã giữ thành đến quá trưa (giữ thành được 11 tiếng đồng hồ), độ chừng lúc gần 2 giờ chiều, quân Pháp mới làm chủ được thành. Phía liên quân Pháp-Tây Ban Nha bị chết và bị thương ngót trăm người. Còn phía bên quân nhà Nguyễn hy sinh rất nhiều, có tài liệu ghi rằng chết cả vài trăm người, chủ yếu do pháo, thuốc nổ. Tướng Võ Duy Ninh bị trọng thương.
Tàu chiến của lực lượng viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha từ sông Sài Gòn bắn vào thành Gia Định (tranh của Antoine Léon Morel-Fatio).
Kho thóc cháy hai năm còn bốc khói
Để bảo toàn lực lượng, quân nhà Nguyễn buộc phải bỏ thành rút lui, để lại trong thành hầu hết đại bác, đạn dược, tất cả thóc gạo và hơn trăm chiến thuyền gỗ trên sông Thị Nghè. Đề đốc Trần Tri, bố chánh Vũ Thực, lãnh binh Tôn Thất Năng mang quân lui về ụ Tây Thái. Tướng Võ Duy Ninh được binh lính cõng về làng Phước Lý thuộc Tổng Phước Lộc (huyện Tân Bình xưa).
Sau khi tỉnh dậy, biết tin quân Pháp đã chiếm được thành Gia Định, ông đã rút gươm tự sát vào đêm 17-2-1859. Bộ tướng của ông là án sát Lê Từ cũng tự vẫn. Pháp chiếm được hơn 200 khẩu pháo, 20.000 vũ khí cầm tay như súng, súng ngắn và kiếm, 100 tấn đạn dược, 80.000 tấn gạo và 130.000 franc tiền mặt. Tổng thiệt hại vật chất ước tính vào khoảng 20 triệu franc khi đó.
Ngay sau khi chiếm được thành, tướng Pháp De Genouilly có ý định giữ lại tòa thành để làm căn cứ đồn trú lâu dài cho đội quân viễn chinh vì cấu trúc tòa thành theo kiểu Vauban phù hợp với tác chiến châu Âu. Nhưng sau đó quân nhà Nguyễn liên tục tấn công, quấy rối, phần muốn trả thù cho chủ tướng, phần muốn giành lại thành để khỏi mang trọng tội với vua. Phía Pháp chống đỡ rất vất vả trước sự kháng cự liên tục của quân và dân Việt, bị tiêu hao lực lượng khá nặng nề. Trong một báo cáo gửi về Bộ Hải quân Pháp ở Paris, tướng De Genouilly đã than rằng: “Bây giờ tôi không biết bằng cách gì và đến chừng nào cái sự việc Nam Kỳ này mới được giải quyết” và “Không thể không thừa nhận rằng cuộc chiến tranh ở xứ này còn khó hơn cuộc chiến tranh với Trung Hoa” (sách Địa chí văn hóa TP.Hồ Chí Minh).
Ngày 18-3-1859, sau một tháng chiếm được thành, tướng De Genouilly quyết định cho phá thành. Quân Pháp đã đặt 32 khối mìn cho nổ tung toàn bộ ngôi thành và đốt phá kho tàng, san phẳng dinh thự bên trong. Người ta truyền miệng rằng kho thóc thành Gia Định cháy mãi đến hai năm mà khói còn nghi ngút. Chuyện này được nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ghi lại:
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây…
Chưa đặt xứng tầm công trạng
Mặc dù thất bại trong việc giữ thành nhưng rõ ràng đây là trận chiến vô cùng oanh liệt, cùng với trận đánh pháo đài Phước Thắng (Vũng Tàu) mở màn cho những năm tháng trường kỳ kháng chiến của người dân Nam Bộ. Tướng Võ Duy Ninh là vị tướng cao cấp đầu tiên của nhà Nguyễn, cũng là của đất nước hy sinh anh dũng trong cuộc chiến. Trận chiến đấu này và tấm gương hy sinh anh dũng của Võ Duy Ninh đã tác động rất lớn dẫn đến những hoạt động kháng Pháp sau này của Nguyễn Trung Trực (1839-1868), Thiên Hộ Dương (1827-1866), Thủ Khoa Huân (1830-1875), Trương Định (1820-1864)…
Sau khi tướng Võ Duy Ninh mất, con trai ông là Võ Duy Lập gia nhập nghĩa quân của Trương Công Định, tiếp tục chống Pháp, trở thành người anh hùng nghĩa quân. Ông khai sinh ra chiến khu Đồng Tháp Mười, chiến đấu trong năm năm tới ngày hy sinh (1866), được nghĩa quân tôn phong là “Thiên Hộ Vương”, trở thành huyền thoại tượng trưng sự bất khuất ngoan cường của người dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược.
Trận chiến thành Gia Định 17-2-1859 và vai trò của tướng Võ Duy Ninh lẽ ra phải được suy tôn và được kỷ niệm như một sự kiện lớn nhưng không biết vì lẽ gì đã không được đặt đúng tầm mức của nó. Trong các sách lịch sử rất ít khi nhắc đến sự kiện và con người này, nếu có thì chỉ là thoảng qua. Trong Địa chí văn hóa chỉ có 12 dòng nói đến sự kiện và tướng Võ Duy Ninh. Mặc dù ở TP.HCM có một con đường đặt tên ông thuộc quận Bình Thạnh và một con đường dài 470 m mang tên ông tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng nhưng những gì mà hậu thế thực hiện chưa xứng với tầm vóc của ông và chưa thực sự tôn vinh sự kiện 17-2-1859.
Trong khi người Pháp lại coi nó là một dấu ấn kinh hoàng trong lịch sử quân sự ở Đông Dương thì TP.HCM chưa có một lễ kỷ niệm hay hội thảo về sự kiện trọng đại này. Vì ông làm mất thành nên vua Tự Đức tước bỏ mọi phẩm hàm nhưng không phải vì thế mà hậu thế đánh giá thấp đối với ông. Nên chăng TP.HCM cho phục dựng một đoạn tường thành và dựng tượng về sự kiện này, trước là làm phong phú thêm di sản lịch sử, sau là phục vụ cho du lịch.
Những nhân vật lịch sử như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Võ Duy Ninh, Trương Định, Lê Từ và nhiều nhân sĩ khác nữa đã tự kết thúc cuộc đời mình khi không làm tròn bổn phận là tấm gương sáng chói cho hậu thế, nhắc nhở những người cầm cương quốc gia ngày nay về đức hy sinh quên mình vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Võ Duy Ninh (1804-1859) tên tự là Trọng Chí, biệt hiệu Trúc Nghiêm Võ Chí Hiên, sinh năm 1804 tại làng Đại An, xã Hành Phong (nay là xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành), tỉnh Quảng Ngãi. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), ông đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ. Tháng 11-1858, triều đình cử ông vào Nam Kỳ giữ chức hộ đốc thành Gia Định. Đầu năm 1859 ông được thăng làm tổng đốc Định - Biên, cai quản hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Tuy nhiên, khi ông vừa đến Gia Định nhậm chức tổng đốc vỏn vẹn được hai ngày thì quân Pháp nổ súng tấn công Cần Giờ - Gia Định. Hài cốt của ông hiện an táng tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). |