Đà Nẵng: Mạnh dạn tiến cử cán bộ trẻ

Đà Nẵng vừa ban hành đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt TP dành cho những cán bộ dưới 35 tuổi.

Ông Đặng Công Ngữ (nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, chuyên gia về công tác cán bộ, ảnh) cho là cách làm mới thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo vào lớp trẻ...

. Phóng viên: Thưa ông, nhiều người cho là đề án của Thành ủy Đà Nẵng tiến bộ, ông có thể nói rõ hơn?

+ Ông Đặng Công Ngữ: Trước đây chưa có đề án quy hoạch riêng đối với cán bộ trẻ nhưng lần này thì có. Đây là sự đổi mới, thể hiện sự quyết tâm và sự tin tưởng vào đội ngũ cán bộ trẻ sau một thập niên đào tạo bồi dưỡng, tuyển chọn thu hút của lãnh đạo TP Đà Nẵng. Đây là nét mới.

Đề án đề cập rõ tiêu chuẩn, độ tuổi (dưới 35 tuổi - PV) và chỉ ra được những cái cản trở và khắc phục các rào cản đó.

. Một trong các rào cản cho người trẻ là tình trạng con ông cháu cha không đủ năng lực vào diện quy hoạch. Đề án có tháo được các rào cản này?

+ Tuyển chọn nhân tài, tuyển chọn đúng người, đúng việc thì có nhiều phương pháp nhưng trước hết phải là người đủ đức, đủ tài.

Những người được chọn phải tối ưu, có thành tích nổi trội, có năng lực phẩm chất và phải có cả uy tín xã hội. Hiện uy tín xã hội rất quan trọng. Chọn được người hội đủ các tiêu chí có rất nhiều giải pháp như tuyển chọn từ dưới lên (quy hoạch như hiện nay), kế đến là thi tuyển và tiến cử.

Đà Nẵng triển khai đề án tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi làm cán bộ chủ chốt. Ảnh: LÊ PHI

Người được tiến cử phải đảm bảo các tiêu chuẩn thì không lo tình trạng tiến cử người nhà. Tiến cử người khác phải trên tinh thần công tâm, khách quan, vô tư và trách nhiệm...

. Đà Nẵng còn cho rằng một trong những rào cản cho lớp trẻ là các cán bộ lớn tuổi. Vì vậy nên khuyến khích họ về hưu sớm để “nhường ghế”, ông nghĩ sao về điều này?

+ Phải nói rõ hơn là khuyến khích những cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu. Có những vị trí đâu cần phải đưa người trẻ vào.

Ngoài ra, theo tôi, khuyến khích kiểu tự nguyện thì hơi khó vì chúng ta làm công tác cán bộ theo kiểu “có vào nhưng không có ra, có lên không có xuống”. Có thể sử dụng một giải pháp rất tốt là đánh giá cán bộ lãnh đạo. Khi đánh giá, nếu anh nào không đạt yêu cầu nghỉ, nhường chỗ cho người khác.

. Đề án nêu là người tiến cử cán bộ tốt sẽ được trọng thưởng còn ngược lại thì sẽ bị xử lý. Liệu có xử lý được và xử lý cái gì, thưa ông?

+ Hiện chưa có quy định nào đề cập về vấn đề này vì có giới hạn nhất định khi nhìn nhận, đánh giá về người khác. Ví dụ, lúc tôi tiến cử thì anh ấy rất tốt nhưng sau khi làm việc, vì nhiều lý do, anh ta làm không tốt thì rất khó truy trách nhiệm người tiến cử. Trong cơ chế như hiện nay, cán bộ giỏi cũng khó bộc lộ.

Ngoài ra, cũng cần xem xét đến cả vấn đề người sử dụng. Anh sử dụng, bố trí trật, không cho phát triển thì có giỏi đằng trời cũng chẳng làm gì được.

. Xin cám ơn ông.

Ai tiến cử, người đó chịu trách nhiệm

Theo ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng), mỗi lần đại hội luôn thiếu cán bộ trẻ để cơ cấu vào cấp ủy. Trong khi cán bộ trẻ đã có, nếu quyết tâm làm thì đây sẽ là một nguồn cán bộ tốt.

Đề án quy định cụ thể về người tiến cử (thành ủy viên, thủ trưởng các đơn vị) và họ có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ đó phát triển và chịu trách nhiệm khi cán bộ đó sai phạm. Quy trình này cũng là để lựa chọn cho được người thực chất, có đạo đức.

Đề án nói rất cụ thể đối tượng được lựa chọn (bằng cấp, tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi…) và có sự sàng lọc, thẩm định của các cơ quan chức năng để đưa vào quy hoạch.

Sẽ không có chuyện cục bộ, địa phương khi lựa chọn cán bộ. Thực tế Đà Nẵng có nhiều người trong diện thu hút từ các nơi khác đang khẳng định vai trò lãnh đạo.

Theo đề án, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sẽ có chế độ, chính sách động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi, nhường vị trí lại cho cán bộ trẻ. Đồng thời có phương án, kế hoạch tăng thêm chức danh phó bí thư ở các quận, huyện; chức danh phó giám đốc ở các sở, ban ngành… để bố trí, thử thách cán bộ tham gia đề án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm