Đà Nẵng: Núi đồi trơ trụi vì chậm hoàn thổ mỏ khoáng sản

(PLO)- Nhiều chủ mỏ khoáng sản tại Đà Nẵng ồ ạt khai thác rồi chậm hoàn thành công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường khiến núi đồi trơ trụi, nham nhở.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Qua kiểm tra, đa số chủ mỏ khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm túc việc hoàn thổ, phục hồi môi trường theo đề án được phê duyệt. Tuy nhiên, một số chủ mỏ chưa thực hiện nghiêm túc và Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP xử phạt tổng số tiền 660 triệu đồng”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xoay quanh câu chuyện phục hồi môi trường (PHMT) tại các mỏ khoáng sản, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho biết như trên.

Mỏ đất đồi của Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư xây dựng Sơn Hải tan hoang sau tám năm hết hạn khai thác. Ảnh: TẤN VIỆT

Mỏ đất đồi của Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư xây dựng Sơn Hải tan hoang sau tám năm hết hạn khai thác. Ảnh: TẤN VIỆT

Nhiều công ty bị phạt do chậm hoàn thổ

Sau thời gian khai thác rầm rộ, năm 2014 mỏ đất đồi rộng 5,1 ha tại thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) của Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư xây dựng Sơn Hải được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để chuyển sang quá trình PHMT.

Tuy nhiên, sau tám năm, PV ghi nhận khu vực này vẫn trong tình trạng mảng đồi bị cạo trọc nham nhở. Phải lại thật gần mới nhận ra một số gốc cây keo được trồng chỉ vừa cao hơn gang tay.

Qua kiểm tra, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết tại đây còn thiếu lớp đất màu, cây trồng kém phát triển và chết do ảnh hưởng của bão. Do đó, chủ mỏ này đã bị UBND TP Đà Nẵng xử phạt 320 triệu đồng vì lỗi chậm PHMT.

Tại thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn), thực trạng mỏ đá rộng 5,2 ha của Công ty CP Vật liệu xây dựng Fococev cũng không khá hơn. Mỏ đá này hết hạn khai thác từ năm 2016 nhưng đến nay do chậm tiến độ PHMT, chủ mỏ đã bị UBND TP Đà Nẵng xử phạt 100 triệu đồng.

Ông Đinh Công Tiến (thôn Phước Thuận) than thở: “Hồi trước họ khai thác ầm ầm, xe cộ qua lại bụi mù mịt. Cứ nghĩ hết khai thác rồi thì không còn ảnh hưởng gì. Thế nhưng do núi đồi bị cạo trọc nên trời gió thì bụi, trời mưa thì đất đá chảy xuống lấp hết ruộng đồng”.

Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, cho hay cả xã có bảy mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác nhưng quá trình PHMT diễn ra rất chậm. “Xã muốn kiến nghị TP quan tâm chỉ đạo, có biện pháp chế tài thế nào đó để các chủ mỏ khẩn trương PHMT, bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý” - ông Thu nói.

Một số chủ mỏ chưa thực hiện nghiêm túc và Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP xử phạt tổng số tiền 660 triệu đồng.

Hoàn thổ một mỏ mất ít nhất bốn năm

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho hay huyện đang giám sát việc PHMT đối với 13 mỏ khoáng sản. Trong quá trình kiểm tra, huyện đã đề nghị nhiều chủ mỏ bổ sung cây trồng đúng mật độ. Cây trồng phải đủ tuổi (khoảng ba tuổi) thì Sở TN&MT mới nghiệm thu và bàn giao mặt bằng cho địa phương.

Nói về việc các chủ mỏ mất quá nhiều năm để PHMT, ông Khoa cho hay do những năm qua thời tiết không thuận lợi, cộng thêm dịch COVID-19 nên công tác chăm sóc cây cối chưa đảm bảo.

“Định kỳ hằng năm Sở TN&MT với huyện đi kiểm tra. Căn cứ theo đề án PHMT của từng doanh nghiệp, chúng tôi kiểm tra và xử lý nếu doanh nghiệp làm không đạt yêu cầu theo đề án” - ông Khoa cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh, quy định hiện hành là các chủ mỏ ký quỹ PHMT trước khi tiến hành khai thác. Riêng Đà Nẵng từ năm 2015 đến nay đã thu thêm mỗi chủ mỏ 500 triệu đồng tiền cược.

Sau khi hết hạn khai thác, các chủ mỏ chỉ được lấy lại tiền ký quỹ và tiền cược khi đã được nghiệm thu hoàn thành việc PHMT. Nếu không TP sẽ sử dụng hai khoản tiền này để đấu thầu thuê đơn vị khác PHMT.

Ông Vinh cho hay thông thường một mỏ khoáng sản từ khi lập đề án đến khi hoàn thành PHMT mất khoảng bốn năm. “Việc trồng cây không thể một năm lên được, có khi 2-3 năm, cây chết thì phải trồng lại. Những khu vực gặp thời tiết khắc nghiệt thì việc PHMT còn kéo dài hơn” - ông Vinh nói.

Để đạt yêu cầu về PHMT, ông Vinh cho hay khi hết khai thác thì núi đồi tại mỏ khoáng sản lồi lõm. Do đó chủ mỏ phải cắt tầng tạo mặt bằng. Với các mỏ đá khi khai thác thì đất tầng phủ một mặt được lấy đi làm vật liệu san lấp, phần còn lại chờ phủ lên vị trí cũ để trồng cây. “Phải đảm bảo độ dày của đất thì cây mới sống được. Chúng tôi giám sát khi nào cây lên xanh tốt khi đó mới gọi là hoàn thành đề án PHMT” - ông Vinh lý giải.•

Doanh nghiệp khai thác mỏ nói gì?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Nguyên Anh Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư xây dựng Sơn Hải, cho hay: Do địa hình đồi núi khó nên đơn vị đã trồng cây đến năm lần nhưng tỉ lệ sống thấp. “Chờ mùa mưa tới, chúng tôi cho công nhân trồng thêm cây cho đạt yêu cầu. Tỉ lệ sống của cây thấp quá, cây phải cao được tối thiểu 1,2 m mới đạt” - ông Tú nói.

Tương tự, ông Nguyễn Lộc Hoanh, Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Fococev, cũng cho hay đã trồng cây đến năm lần. Cách đây hai năm do cây trồng không đạt nên bị xử phạt. Sau đó công ty cho khắc phục, trồng lại và đang chờ cây lớn, dự kiến khoảng một năm nữa là đạt yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm