Đà Nẵng sẽ thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Ngày 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp bàn, cho ý kiến dự thảo nghị quyết của QH về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thí điểm bỏ HĐND cấp quận, phường

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay dự thảo nghị quyết lần này cho phép Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị.

Cụ thể, cấp chính quyền TP Đà Nẵng sẽ gồm HĐND và UBND TP. Ở hai cấp quận và phường sẽ không tổ chức HĐND. Riêng với huyện Hòa Vang và 11 xã của huyện này, dự thảo nghị quyết vẫn cho phép tổ chức một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm cả HĐND và UBND.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, khi không tổ chức HĐND ở quận, phường, HĐND TP sẽ thực hiện vai trò giám sát bằng cách thành lập các tổ đại biểu HĐND TP tại quận, phường. Tổ đại biểu HĐND TP gồm các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại các quận, phường và thực hiện các nhiệm vụ do HĐND TP hoặc thường trực HĐND TP phân công trên địa bàn quận, phường.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ và cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận. Quyền hạn tương tự cũng được bổ sung cho chủ tịch UBND quận đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường.

Riêng huyện Hòa Vang vẫn thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường tại Đà Nẵng bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026.

Trao đổi với PV chiều 24-4, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho hay chưa nắm được cụ thể các ý kiến đóng góp của thành viên Ủy ban Thường vụ QH. Tuy nhiên, việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường từng triển khai tại Đà Nẵng giai đoạn 2009-2016 và đạt kết quả tích cực.

Việc ban hành nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo cơ chế thúc đẩy TP Đà Nẵng phát triển hơn. Ảnh: TẤN VIỆT

Tâm nguyện của cả nhiệm kỳ

Tờ trình của Chính phủ đánh giá Đà Nẵng đã gặp phải một số rào cản, vướng mắc cùng các thách thức về công tác quản lý nên cần thiết phải ban hành nghị quyết của QH thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế-xã hội của Đà Nẵng.

Theo cơ quan thẩm tra, việc ban hành nghị quyết để phát triển Đà Nẵng là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết quy định một số cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng có thể tác động, thay đổi lớn về công tác quy hoạch, ngân sách, tổ chức chính quyền các cấp… nên cần phải thận trọng, có đánh giá, tổng kết trước khi ban hành chính sách dài hạn.

Đà Nẵng phát triển để chúng tôi có cơ hội đóng góp lớn hơn cho đất nước. Với tâm nguyện của những người sắp kết thúc nhiệm kỳ tại Đà Nẵng, chúng tôi cố gắng chuẩn bị tốt và nếu nghị quyết được thông qua sẽ là công cụ tốt, là sản phẩm để lại cho nhiệm kỳ sau đưa Đà Nẵng phát triển hơn.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng TRƯƠNG QUANG NGHĨA 

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho hay việc phát triển một TP, địa phương không thuộc thẩm quyền của QH. Do vậy, ông cho rằng nên đổi tên gọi của dự thảo là “Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức mô hình chính quyền đô thị để phát triển TP Đà Nẵng”.

Các ý kiến cũng ủng hộ hoàn thiện dự thảo nghị quyết này theo thủ tục rút gọn, trình QH xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIV theo quy trình một kỳ họp.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát toàn bộ nội dung tờ trình để trình Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến, xem xét tiếp tại phiên họp tiếp theo, dự kiến vào ngày 15-5 tới. Sau đó, ủy ban chuyên môn của QH sẽ phối hợp thẩm tra chi tiết.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay việc có cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng trong thời gian tới là tâm nguyện của cả nhiệm kỳ này.

Kỳ họp Quốc hội tới sẽ không chất vấn, thảo luận tổ

Chiều 24-4, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo những nội dung cũng như cách thức tổ chức kỳ họp tới.

Theo đó, kỳ họp 9 dự kiến bố trí nội dung theo hai đợt. Đợt 1 họp trực tuyến 8,5 ngày (bắt đầu từ ngày 20 và kết thúc vào sáng 30-5).

QH không bố trí thảo luận ở tổ, tăng thời gian thảo luận tại phiên toàn thể đối với một số nội dung và khuyến khích đại biểu tăng cường góp ý kiến bằng văn bản.

Với việc thảo luận, tranh luận, các đại biểu tại 63 điểm cầu đăng ký phát biểu qua đường dây nóng (gọi 080.41992 - 080.41993 và sẽ trượt tới 10 máy lẻ để tiếp nhận thông tin). Danh sách đăng ký phát biểu cũng được thể hiện (chạy chữ) trên màn hình tại phòng Diên Hồng.

Đợt 2 sẽ họp tập trung tại nhà QH trong chín ngày (từ ngày 10 đến 19-6) để xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; thảo luận các dự án luật trình QH cho ý kiến; thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác (nếu có); biểu quyết thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1, nghị quyết và bế mạc kỳ họp…

Kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên: khai mạc/bế mạc; giám sát chuyên đề; thảo luận kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, trong kỳ họp thứ 9, QH hạn chế tối đa số lượng người ra vào Nhà QH, sẽ không mời khách mời trong nước và quốc tế dự thính các phiên họp trực tuyến, hạn chế số lượng đại diện các cơ quan liên quan đến nội dung kỳ họp, hạn chế tối đa việc tập trung nhân lực phục vụ kỳ họp.

Đ.MINH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới