Đã nghe đã thấy: Cần giải pháp chứ không phải giãi bày!

Cụ thể, trả lời câu hỏi về vấn đề y đức của một đại biểu Cà Mau sau những vụ như “nhân bản” ở BV Hoài Đức hay vụ thẩm mỹ Cát Tường làm chết người rồi ném xác phi tang, bộ trưởng đã không đi vào giải pháp đột phá cụ thể nào mà chỉ nhắc tới những biện pháp vốn đã thực thi nhiều năm qua như chấn chỉnh y đức, tập huấn cho đội ngũ bác sĩ, tổ chức học tập pháp luật, thành lập đường dây nóng...

Đặc biệt, lý giải về những cái chết gây bức xúc trong dư luận có liên quan đến ngành y, Bộ trưởng Tiến cho rằng đó là tai biến y khoa. “Tai biến y khoa là một thực tế không thể tránh khỏi. Ngay cả như Mỹ cũng xảy ra rất nhiều. Do đó bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh có thể khỏi bệnh, có thể có biến chứng, có thể có y chứng và cũng có thể bị tử vong. Còn chữa bệnh là còn tai biến y khoa” - bà Tiến nói. Thậm chí bà còn dẫn chứng vụ việc BV Cần Thơ cắt nhầm thận của bệnh nhân là trường hợp đặc biệt, khi đó là thận móng ngựa, hai quả nhập vào làm một. Nên những sai sót đó thầy thuốc rất khó tránh và đến nay nền y học vẫn chưa thể khắc phục được... Bà còn bộc bạch rằng: “Nói thật đại biểu hỏi khi nào chấm dứt, chúng tôi không thể trả lời được, không dám trả lời”!

Phát biểu trên của bà Tiến, nếu với tư cách một bác sĩ trước hội đồng chuyên môn, chắc hẳn sẽ được đánh giá cao bởi các quyết định chuyên môn cần phải được căn cứ vào sự thật, cho dù đó là sự thật trần trụi, để qua đó có giải pháp chính xác khắc phục tình hình.

Tuy nhiên, Quốc hội với cử tri lại không phải là hội đồng chuyên môn và người ta chất vấn bộ trưởng với tư cách một nhà chính trị, một tư lệnh ngành chứ không phải tư cách một bác sĩ. Chất vấn này không nhằm tìm ra các hạn chế về khoa học y khoa mà để tìm ra các kẽ hở về trách nhiệm, về năng lực quản lý, tính kỷ cương và quyết tâm giải quyết vấn đề ở tầm vĩ mô. Chính vì thế với lời giãi bày còn chữa bệnh thì còn tai biến của bộ trưởng đã làm dư luận xã hội không đồng tình. Bởi hàng chục tư lệnh ngành khác đang nắm trong tay sinh mệnh, tài sản, danh dự, phúc lợi... của hàng chục triệu công dân mà cũng thể hiện trách nhiệm kiểu như thế thì người dân còn trông mong vào đâu? Nếu bộ trưởng Giao thông cũng bảo còn ra đường thì còn tai nạn, bộ trưởng Giáo dục bảo còn đi học thì còn mua bằng, bộ trưởng Nội vụ bảo còn cơ cấu thì còn chạy chức... thì người dân đóng thuế để nuôi bộ máy quản lý để làm chi?

Còn nhớ ngày đầu lập nước trong một bức thư gửi quốc dân đồng bào đăng trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhận định có được một nhà nước, một quốc gia như thế “công lao thì thuộc về đồng bào và nếu có khuyết điểm là do... tôi”. Trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài đầy rẫy, lời Chủ tịch không chỉ xác định rõ trọng trách của nhà lãnh đạo, người quản lý mà còn có tác dụng quy trọn nhân tâm về một mối.

Thời gian qua, cán bộ, đảng viên đã được nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương của Bác, vậy việc này có thực chất ở một số nơi không?

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm