Nó không chỉ là quan điểm cá nhân của chính khách, nó là tình cảm, tâm thế của cả dân tộc, là thông điệp rõ ràng của một nguyên thủ đến người dân trong nước và thế giới.
Nhiều thế kỷ chống xâm lăng có thể trang bị cho một dân tộc những kinh nghiệm đấu tranh nhưng lớn hơn, nó trang bị cho mỗi người con của dân tộc ấy nhận thức sâu sắc về việc nâng niu giá trị hòa bình, khát khao sự bình yên để tạo dựng cuộc sống. Chỉ có hòa bình và ổn định mới đem lại cho con người những điều kiện cơ bản để phát triển. Hơn ai hết, từng người dân và chính quyền Việt Nam hiểu rõ điều đó và mong muốn điều đó.
Từ khi kết thúc chiến tranh, dân tộc ta đã có một bước đi dài. Có thể nhìn thấy điều ấy trong bữa cơm mỗi gia đình đến những thành tựu của cả xã hội. Cũng vì thế, chúng ta mong mỏi duy trì quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt là với Trung Quốc, láng giềng và đối tác lớn trên nhiều lĩnh vực.
Thế nhưng tình hữu nghị chỉ có thể xây dựng trên nền tảng cơ bản là sự bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng những nguyên tắc đã ký kết, tôn trọng những nguyên tắc hành xử cơ bản theo luật pháp quốc tế mà mỗi bên là thành viên. Và phải có một thời gian dài xây dựng các quy tắc và hành xử với nhau một cách tôn trọng mới tạo được lòng tin. Lòng tin không thể đến từ chót lưỡi đầu môi, nói một đằng làm một nẻo; lòng tin cũng không thể đến từ việc nhăm nhăm thủ lợi cho mình; và chắc chắn, lòng tin không bao giờ có thể đến từ sự thô bạo, chà đạp các nguyên tắc hành xử. Trái lại, điều đó sẽ là những nhát búa đập vào bức tường hữu nghị.
Cách đối xử với một người bạn cũng là cách để giới thiệu mình với những người bạn khác. Đối xử với Việt Nam vì thế cũng là cách để chính phủ Trung Quốc giới thiệu chân dung mình với bạn bè quốc tế. Chúng ta đã tự giới thiệu một chân dung hòa bình, hữu nghị, thân thiện và tôn trọng pháp luật quốc tế qua ứng xử của mình trong vụ giàn khoan Hải Dương 981. Còn Trung quốc muốn giới thiệu điều gì qua kiểu hành xử hung hăng và chà đạp các nguyên tắc?
Với những hàm ý cứng rắn, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã là câu trả lời rõ ràng, dứt khoát: “Không đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông”.
Hòa bình sẽ không có ý nghĩa nếu vì nó chúng ta cam chịu đánh mất độc lập, chủ quyền, chịu lệ thuộc. Hữu nghị sẽ là viển vông, vô nghĩa nếu vì nó chúng ta bị kẻ khác nhân danh tình hữu nghị để xâm hại, im lặng trước sự gây hấn.
ĐỨC HIỂN