Tồn tại hơn 130 năm, trải qua bao thời cuộc ở cái đô thị lớn nhất phương Nam này, bỗng một ngày người ta bảo rằng: “Thôi, Tax đã “hết hạn sử dụng”, đành phải “khai tử” cho Tax thôi”. Bao nhiêu nỗi cảm của người dân xứ sở đã thấm đầy các trang báo, mạng xã hội và biết bao dấu hỏi vang lên rằng “sao nỡ đoạn tuyệt” với một công trình chứa đầy cung bậc của lịch sử-văn hóa phát triển của TP.HCM như thế. Nhưng thật khó dừng lại như chuyện tổ chức “sinh nhật Hai Bà Trưng”, Tax bị khai tử thật. Còn việc Tax đã “chép sử” thế nào về cái thành phố này, trên “bàn cân”, nó đã không đối trọng nổi với lý lẽ “cần phải thay áo mới” để phục vụ cho phát triển.
Tất nhiên, có nhiều giải thích quanh chuyện này. Ngoài lý lẽ đầy “chính đáng” là phục vụ cho phát triển, người ta cũng cho rằng không cần giữ lại Tax thì vẫn đảm bảo được “linh hồn đô thị” của Sài Gòn vì vẫn còn Chợ Bến Thành, Nhà hát TP, UBND TP. Nhưng với một chiếc xe cổ, nó chỉ thực sự giá trị khi phải “bảo tồn” được cái nắp xăng “zin” kia mà, huống gì đây là cả một hồn phố của Sài Gòn ở khu trung tâm? Và Tax hàm chứa các giá trị không thể phủ nhận để cùng với các công trình khác làm nên linh hồn phố thị. Trên FB Hữu Khoa, người KTS trẻ này đã viết: “Nhiều người quan niệm Sài Gòn cũng chỉ cần giữ lại những công trình nổi tiếng như Nhà hát thành phố, UBND, chợ Bến Thành là đủ để nhắc đến Sài Gòn. Nhưng làm sao mà đủ khi tất cả bối cảnh xung quanh nó đã bị thay thế hoàn toàn, làm sao biết được nó đã từng sống thế nào, thở thế nào trong chính đô thị đã sinh ra cùng nó. Lúc đó những công trình này sẽ trở nên trơ trọi trong chính thành phố của chúng”.
Điều đáng nói ở đây là có thể có những chọn lựa khác phù hợp hơn và kinh nghiệm bảo tồn trong phát triển ở các nước mà chúng ta có thể học hỏi là không thiếu. Xu hướng cho thấy giữa hai phương án phá bỏ để phục vụ phát triển và bảo tồn mà vẫn phục vụ phát triển, người ta chọn phương án hai. Chẳng có sự phát triển nào mà không có “chân đế” của nó. Hồn phách “lịch sử-văn hóa” của một vùng đất, một đô thị chính là nhựa sống thời gian cho sự phát triển bền vững của nó.
Sẽ là không biết giải thích thế nào cho các em học sinh tiểu học về “cách khai sinh”, nếu quả thật việc tổ chức “sinh nhật cho Hai Bà Trưng” ở tuổi 2.000 diễn ra. Nhưng sẽ càng không biết nói với con cháu ta ra sao, nếu 100 năm sau, các thế hệ lớn lên ở TP.HCM sẽ phải lục lọi tìm lại những “hơi thở lịch sử” của thành phố này và người ta chỉ còn thấy nó nằm trong các bức ảnh và những bài báo “thương tiếc cho Tax 100 năm trước”.
Ứng xử với văn hóa, lịch sử như thế nào sẽ phản ánh như thế ấy tầm vóc văn hóa, văn minh của một thời đại.
MẠNH LÊ