Tuy nhiên, tuyến đường chính vào huyện Sanamxai vẫn ngập bùn đất khiến công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn.
Các bản vùng sâu của huyện Sanamxai vẫn chìm trong biển nước, xe cộ không thể đi vào. Theo người dân, khu vực bị ngập nước cách vị trí vỡ đập thủy điện khoảng 30 km. Ngay khi vỡ đập, hàng trăm người đã may mắn được cứu trong đêm và đưa về một trường học cấp 3 gần đó để sống tạm. Hiện nhà chức trách đã huy động quân đội dùng canô, xuồng máy và máy bay quân sự để hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Theo thống kê, tính đến hiện nay, vụ vỡ đập thủy điện đã khiến hơn 6.000 người bị ảnh hưởng, trong đó gần 3.000 người rơi vào tình cảnh không nhà cửa, phải đi tạm trú.
Công ty Korea Western Power (Công ty Điện miền Tây Hàn Quốc) là một trong bốn nhà thầu chính đang nắm giữ 25% cổ phần của dự án đập thủy điện tỉ đô
Xe-Pian Xe-Namnoy vừa lên tiếng tố cáo Công ty SK Engineering & Construction (SK E&C) phát hiện dấu hiệu con đập bị sụt lún đến 11 cm vào hôm 20-7. Thế nhưng SK E&C đã không báo ngay cho chính quyền sở tại mà chỉ theo dõi tình hình vì cho rằng mức sụt lún nằm trong ngưỡng chịu đựng của đập nên không triển khai ngay các biện pháp khắc phục.
“Phải đến khi con đập bị lún đến 1 m hôm 23-7, công ty này mới yêu cầu chính quyền địa phương giúp sơ tán người dân” - CEO Kim Byung-sook của Korea Western Power nói với các nhà lập pháp Hàn Quốc.
Hiện SK E&C chưa xác nhận hay bác bỏ lời cáo buộc trên, chỉ cho hay công ty đang tiến hành điều tra nội bộ về nguyên nhân thảm họa. Trước đó, thông báo với báo chí, SK E&C nói rằng đã phát hiện con đập bị trôi một phần vào hôm 23-7 và đã nhanh chóng thông báo cho chính quyền di tản người dân. Công ty cũng gửi lời chia buồn đến những người gặp sự cố trong thảm họa vỡ đập, tuy nhiên chưa hề lên tiếng xin lỗi.
“Chúng tôi bày tỏ sự thương tiếc và chia buồn với nhân dân Lào và gia đình những nạn nhân trong sự cố vừa qua” - CEO Cho Ki-haeng của SK E&C trước đó phát biểu.
Công trình thủy điện đang được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy (PNPC). PNPC là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 3-2012 giữa một doanh nghiệp nhà nước Lào, một doanh nghiệp Thái Lan và hai doanh nghiệp Hàn Quốc là SK E&C và Korea Western Power.
Trước đó, chính phủ Lào cũng đã cho biết đang chuẩn bị mở cuộc điều tra về các sai phạm có thể đã xảy ra trong quá trình xây dựng dẫn đến việc vỡ đập, làm ít nhất 27 người thiệt mạng và khiến hàng ngàn người khác mất nhà cửa.
Theo hãng thông tấn Campuchia (AKP), nước sông Sekong ngày 26-7 dâng cao đến gần 12 m, làm ngập 17 ngôi làng ở huyện Siem Pang thuộc tỉnh Stung Treng và buộc 25.000 dân (tương đương nửa số dân) trong huyện này phải di tản.
“Mực nước không những không có dấu hiệu giảm mà còn tăng 2 cm mỗi giờ” - AKP dẫn lời người phát ngôn về mực nước sông ngòi và thời tiết của Campuchia, H.E. Chan Yutha.
Ngoài ra, nước lũ cũng đe dọa đánh sập một cây cầu dành cho người đi bộ dài 270 m vừa mới hoàn thành ở tỉnh Stung Treng.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở Lào thăm các gia đình bị nạn Ông Đào Văn Hiếu, Tổng Lãnh sự nước CHXHCN Việt Nam tại bốn tỉnh Nam Lào, đã trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình bị ảnh hưởng sau sự cố vỡ đập. Tại đây, ông Hiếu đã động viên các gia đình cố gắng giữ gìn sức khỏe, ổn định tâm lý vì “còn người thì còn của”. Ngoài ra, ông cho biết sẽ kêu gọi sự hỗ trợ thiết thực nhằm giúp những hộ dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống sau khi nước rút. Bên cạnh đó, cơ quan lãnh sự cũng đã kêu gọi được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại bốn tỉnh Nam Lào tiến hành hỗ trợ, ủng hộ giúp các gia đình vượt qua khó khăn. Cũng trong sáng 27-7, Chi hội người Việt Nam tại tỉnh Attapeu đã trực tiếp trao mỗi gia đình 1 triệu kíp cùng nhiều nhu yếu phẩm cho các gia đình bị thiệt hại. Theo thông tin của các cơ quan chức năng của Lào, cho đến ngày 26-7, chưa phát hiện trường hợp người Việt mất tích. 15 hộ gia đình người Việt sống trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ đã được sơ tán đến khu vực an toàn; 26 công nhân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã được đưa về trụ sở của công ty tại Attapeu để sớm về nước. |