Một số chi tiết về chiến dịch giải cứu sau vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu, Lào đang dần được giới chức Lào tiết lộ. Theo ghi nhận của nhóm PV hiện trường BBC, tại bệnh viện chính ở tỉnh Attapeu, thị trấn nằm sát với khu vực xảy ra thảm họa, những người bị thương và được giải cứu đang được các y, bác sĩ chăm sóc. Trong số này có anh La và vợ là Aun.
Anh La và vợ Aun. Ảnh: BBC
Theo BBC, cả hai con gái của họ đều bị lũ cuốn trôi khi đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy bất ngờ vỡ đêm 23-7, khiến nước tràn vào các ngôi làng ở huyện Sanamxay, nơi họ sinh sống.
Anh La nhớ lại khoảnh khắc dòng nước kéo con thuyền chở đứa con mới 1 tuổi tuột khỏi tay mình nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng. "Tôi đưa con và vợ lên thuyền. Tôi cố gắng giữ nó nhưng nước mạnh quá"- anh kể - Tôi không giữ được nữa và con thuyền lật úp, con gái tôi rơi xuống nước".
Người dân tạm trú ở Paksong. Ảnh: BBC
Trong lúc hai vợ chồng anh chới với lao ra tìm con, đứa con gái lớn 4 tuổi cũng bị dòng nước cuốn trôi. “Chúng tôi cố gắng tìm con bé nhưng không được. Mọi chuyện xảy ra trước mắt chúng tôi. Tôi thực sự sốc. Tôi không biết đổ lỗi cho ai. Tôi nhớ các con” – anh nói.
Số liệu thống kê của chính phủ Lào cho biết 27 người đã thiệt mạng và 131 người vẫn đang mất tích sau trận vỡ một đập phụ trên đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đêm 23-7. Tuy nhiên, theo các cơ quan viện trợ Lào có thể đang giảm nhẹ hậu quả thảm họa và số người chết có thể tăng lên đáng kể. Người dân địa phương nói với BBC rằng họ tin có khoảng 300 người thiệt mạng trong trận lũ lụt này. Giới chức huyện Sanamxay cũng nói rằng mới tìm thấy một thi thể. Hiện 3.000 người vào cảnh màn trời chiếu đất.
Quân đội Lào tiếp cận các ngôi làng bị ảnh hưởng. Ảnh: BBC
Theo Bangkok Post, ngày 26-7 nước lụt ở Lào vì vụ vỡ đập có dấu hiệu rút nhưng nước sông Mekong dâng cao báo động. Cụ thể, mực nước sông Mekong dâng tới 11 m, hơn 2 m so với bình thường. Nguyên nhân một phần do mưa lớn từ cơn bão nhiệt đới Sơn Tinh và tình hình nghiêm trọng hơn sau khi đập thủy điện Xe pian-Xe NamNoy ở tỉnh Attapeu (Lào) - chia sẻ biên giới sông Mekong với Thái Lan - vỡ tối 23-7.
Người dân tại các bản làng tại huyện Sanamxai, tỉnh Attapeu, đông nam Lào đã bắt đầu trở về nhà sau khi nước rút bớt trong những ngày gần đây. Tuy nhiên đường sá, nhà cửa và đồ đạc của người dân vẫn ngập trong bùn đỏ.
Người dân huyện Sanamxai bắt đầu trở về nhà sau khi nước rút bớt. Ảnh: REUTERS
Quân đội Lào và người dân đang tích cực chung tay cứu hộ, chất lên các thuyền cứu hộ mì ăn liền và nước uống. Các đội ngũ y tế Trung Quốc cũng tham gia cứu hộ và thêm một số hỗ trợ từ Thái Lan.
Cơ quan nhân đạo Liên Hiệp Quốc nói rằng các tuyến đường và cầu đã bị phá hủy và các tàu thuyền và trực thăng là phương tiện giao thông vận chuyển duy nhất trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng. Trường học cũng đang được trưng dụng làm trung tâm sơ tán và khoảng 1.300 hộ gia đình cần lều trú ẩn. Hơn nữa, 1.300 gia đình đã được di tản tới vùng đất cao hơn trong khu vực của Bắc Campuchia vốn cũng bị ảnh hưởng bởi dòng lũ.
Người dân gặp nạn ăn uống tạm bợ. Ảnh: BANGKOK POST
Dự án xây đập thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy trị giá 1,2 tỉ USD là mạng lưới gồm hai đập chính và năm đập phụ do các công ty của Lào, Thái Lan và Hàn Quốc thi công. Hệ thống đập này đã hoàn thành 90% và đi vào vận hành năm 2019. Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc – đối tác chính điều hành dự án- đã đổ lỗi mưa lớn làm vỡ đập. Một quan chức công ty SK Engineering & Construction nói họ đã lệnh sơ tán 12 ngôi làng ngay sau khi nhận thấy nguy hiểm.
Theo Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Lào Khammany Inthirath, các nhà phát triển dự án đập thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy chịu trách nhiệm tất cả các khoản bồi thường, tờ Vientiane Times cho biết.