Ngày 27-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cùng đoàn đại biểu đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo UBND TP và Sở TN&MT TP.HCM có chuyến làm việc trực tiếp với VWS tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Ảnh: N.CHÂU
Giảm tỉ lệ chôn lấp
Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy chia sẻ môi trường, ngập nước, kẹt xe, tội phạm... là những vấn đề người dân rất quan tâm. Trong khi đó, TP ngày càng phát triển, dân số ngày càng tăng và rác thải cũng tăng theo. Điều này là đúng quy luật. Vì vậy, việc suy nghĩ phương hướng xử lý chất thải mang tính lâu dài là rất cần thiết và cấp bách.
Bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc VWS, thông tin hơn 10 năm trước, mảnh đất Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước hiện nay thành hình là một vùng đầm lầy. Đối mặt với những khó khăn, các chuyên gia trong và nước ngoài của VWS đã cố gắng tìm giải pháp để xây dựng khu liên hợp an toàn, quy mô. Thời điểm đó, thách thức lớn cho nhà đầu tư là phải đáp ứng yêu cầu của TP: Một dự án xử lý rác thải vừa hiện đại, vừa tiết kiệm chi phí. VWS đã trình một số giải pháp công nghệ nhưng cuối cùng phương án chôn lấp rác được lựa chọn.
Bà Phương cho biết thêm trải qua thời gian, các công nghệ xử lý rác ngày càng được cập nhật nhiều hơn theo hướng hiện đại, an toàn hơn. Cùng với việc tiếp tục xây dựng dự án Môi trường Xanh Long An, đầu năm 2017, công ty đã trình và được UBND TP chấp thuận phương án thay đổi công nghệ nhằm giảm tỉ lệ chôn lấp xuống còn khoảng 15%. Trong đó ba công nghệ mới là đốt rác, sản xuất điện từ bãi rác chôn lấp và sản xuất khí nén thiên nhiên phục vụ cho các xe chở rác. Bà Phương cho biết những điều VWS đã hứa với TP nay đã thực hiện đầy đủ nhưng công ty mong TP giải quyết hai vấn đề còn tồn đọng là phân loại rác tại nguồn và vành đai cây xanh cách ly. Mục đích tạo nguồn nguyên liệu cho hai nhà máy xử lý rác hoạt động và giảm phát tán mùi hôi đến khu vực xung quanh.
VWS đã trình và được UBND TP chấp thuận phương án thay đổi công nghệ nhằm giảm tỉ lệ chôn lấp xuống còn khoảng 15%. Ảnh. N.CHÂU
Cần làm tốt hơn nữa
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Khoa nhận định hai vấn đề công ty nêu trên hoàn toàn đúng nhưng nhiều năm nay TP vẫn chưa làm được do vướng mắc công tác giải tỏa. Việc phân loại rác tại nguồn đã thực hiện ở một số quận, huyện nhưng chưa đạt như mong muốn. Ngoài ra, TP đã điều 100 tấn rác từ Bình Điền về Đa Phước để làm phân compost nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Ông Khoa cho biết thêm thời điểm công ty đi vào hoạt động, việc chôn lấp rác là đúng nhưng đến lúc này TP đã yêu cầu công ty chuyển đổi trước mắt 2.000 tấn sang phương pháp công nghệ mới là đốt. Ông hoan nghênh công ty đã thực hiện tốt chỉ đạo của TP nhằm thiết lập hệ thống quan trắc để thu thập các thông tin môi trường nội bộ nhằm phát hiện sự cố môi trường nếu có để xử lý kịp thời.
Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy về việc giám sát hoạt động của VWS, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết đơn vị này nằm trong khu liên hợp, TP có ban quản lý khu liên hợp xử lý chất thải, có người trực cùng 24/24 giờ. Thứ nhất là ghi nhận lượng xe rác ra vào; thứ hai là giám sát các vấn đề có liên quan. Riêng hệ thống quan trắc hiện nay chưa quan trắc được tự động mà thực hiện thủ công với tần suất một tháng/lần. Đó là điểm hạn chế nên TP yêu cầu VWS cần thực hiện quan trắc tự động để đấu nối với trung tâm để thực hiện quan trắc liên tục.