Đa số người dân không đồng ý cho trẻ khuyết tật học và đi học cùng trẻ khác?

(PLO)- Bình đẳng trong giáo dục và được tiếp cận tri thức là quyền quan trọng nhất của trẻ khuyết tật, nhưng điều bất ngờ là chỉ 42,7% người được hỏi công nhận “trẻ khuyết tật nên học và được đi học cùng trẻ khác”, theo một báo cáo của UNICEF.

Tại buổi lễ phát động chương trình tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường, ngày 31-5, bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Quỹ vì Trẻ em Khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh: "Việc được tiếp cận tri thức là quyền của trẻ khuyết tật, không phải điều cần được người khác tặng, nhưng thực tế đó vẫn là một ước mơ không dễ dàng".

90% trẻ khuyết tật thiếu điều kiện tiếp cận tri thức

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 2 triệu người là trẻ em.

Vì là khuyết tật, nên có tới hơn 90% trẻ thiếu điều kiện tiếp cận ít nhất hai trong số các dịch vụ xã hội cơ bản gồm giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hội nhập xã hội và môi trường sống an toàn.

Và tình trạng này nghiêm trọng hơn với các em đến từ các gia đình nghèo, hay sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khi hầu hết trẻ khuyết tật dưới 17 tuổi nhóm này mang những khiếm khuyết về vận động, thính giác, ngôn ngữ, thị giác, trí tuệ….

Chủ tịch Quỹ vì Trẻ em Khuyết tật Việt Nam Dương Thị Bích Diệp. Ảnh: BTC

“Trẻ khuyết tật vẫn luôn là nhóm thiệt thòi nhất trong những người thiệt thòi, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp cận giáo dục. Các em phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong cuộc sống hàng ngày và nhiều hình thức phân biệt đối xử, dẫn đến nguy cơ bị tách biệt khỏi xã hội và trường học” - bà Diệp nói.

Chủ tịch Quỹ vì Trẻ em Khuyết tật Việt Nam lấy dẫn chứng thống kê của UNICEF năm 2016, tỉ lệ trẻ khuyết tật đi học ngày càng giảm theo cấp học và đến cấp THPT chỉ có 39,35 % em được đi học; cơ hội tiếp cận Internet của trẻ em khuyết tật là 40,9%.

Trong khi tiếp cận trí thức đối với trẻ khuyết tật quan trọng hơn rất nhiều so với người bình thường, vì đó là cánh cửa duy nhất để các em bắt đầu hòa nhập với cuộc sống, để ước mơ, để khẳng định bản thân và để cống hiến, thì đáng lo ngại là nhận thức của xã hội. Theo khảo sát của UNICEF, chỉ 42,7 % người được hỏi đồng tình với quan điểm “trẻ khuyết tật nên học và được đi học cùng trẻ khác".

Bà Diệp nói: “Những con số trên cho thấy rằng việc được tiếp cận tri thức là ước mơ không hề dễ dàng đối với trẻ khuyết tật. Chúng ta cần xác định việc đảm bảo tất cả trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục và hòa nhập xã hội là một trong những mục tiêu không thể thiếu khi hướng tới sự phát triển bền vững.

Đó là quyền các em đương nhiên được hưởng chứ không phải là điều chúng ta tặng cho các em”.

Các em học sinh khiếm thị trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) thể hiện tài năng. Ảnh: BTC

Một dòng tin nhắn tiếp thêm sức mạnh

Theo ông Nguyễn Đồng Anh, Bí thư Đoàn thanh niên - Bộ Ngoại Giao, dù đối mặt với những hạn chế về thể chất, các em là trẻ khuyết tật vẫn luôn cháy bỏng khát khao học hỏi, hòa mình vào cuộc sống và sống một cuộc đời trọn vẹn.

“Chương trình tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường sẽ mang lại những giá trị vô cùng thiết thực cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt. Trong quá trình lan tỏa những giá trị ấy, chúng ta cũng sẽ giúp chính mình bởi khi được làm những công việc có ý nghĩa, cuộc sống của mỗi người sẽ giá trị hơn” - ông Đồng Anh nói.

Cũng tại buổi lễ, em Vũ Minh Tú, học sinh khiếm thị lớp 8, trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), sinh viên năm 2 chuyên ngành Sáo trúc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chia sẻ, mọi trẻ khuyết tật đều cần được tiếp sức.

“Em cảm thấy mình may mắn hơn các bạn vì vẫn được đến trường, nên chỉ mong sao mọi trẻ khuyết tật đều được đi học, có bạn bè, thầy cô” - Minh Tú bày tỏ.

Những bức tranh được vẽ bởi các em học sinh khuyết tật được trưng bày tại buổi lễ. Ảnh: BTC

Chương trình tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường nhằm hiện thực hóa ước mơ đến trường của 1.000 trẻ em khuyết tật, với mức hỗ trợ mỗi em 2 triệu đồng.

Số tiền này giúp các em đóng học phí hoặc mua trang thiết bị và sinh hoạt phí trong quá trình học tập của năm học 2024-2025.

Chương trình tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường được tổ chức, phát động bởi Quỹ vì Trẻ em khuyết tật Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao, phối hợp với Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400.

Hoạt động nhằm vận động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức và người dân chung tay ủng hộ, gây quỹ tặng 1.000 phần quà cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, có khả năng và mong muốn đi học, thuộc 10 tỉnh biên giới vùng cao: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, hiện thực hóa ước mơ được đi học trong năm học mới 2024-2025.

Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thể tham gia tiếp sức cho các em thông qua tin nhắn bằng cách gửi tin với nội dung “TEKT” gửi 1407 để đóng góp 20.000 đồng. Chương trình nhắn tin được thực hiện từ ngày 25-5 đến hết 23-7-2024.

Hoặc tổ chức và cá nhân cũng có thể ủng hộ trực tiếp qua tài khoản của Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam.

Ngoài ra, tổ chức và cá nhân có thể ủng hộ hiện vật là đồ dùng học tập, trang thiết bị hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập tại trụ sở Quỹ vì Trẻ em khuyết tật Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới