Kết thúc hội nghị tổ chức ở khu nghỉ dưỡng tại TP Sochi, Nga và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã nhất trí thành lập một ủy ban gồm 50 thành viên đại diện đa số các thành phần xã hội Syria. Ủy ban này sẽ tiến đến xây dựng một dự thảo hiến pháp mới cho đất nước suốt bảy năm qua chìm trong chiến tranh, chia cắt và bạo lực. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại ủy ban này vẫn không giải quyết được toàn bộ các bất đồng hiện nay tại Syria, tờ The Guardian ngày 31-1 cho biết.
Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura đã vấp phải các ý kiến chỉ trích gay gắt từ phe đối lập Syria khi quyết định đến Sochi tham dự hội nghị. Phe đối lập trước đó đã kêu gọi tẩy chay hội nghị do Nga chủ trì, coi đây là một động thái ngăn cản tiến trình hòa bình tại Syria của LHQ và thu hẹp vai trò của phe đối lập trong lộ trình chính trị Syria. Tuy nhiên, ông Mistura cho rằng tuyên bố chung tại Sochi đã đặt quyền kiểm soát Ủy ban hiến pháp Syria vào tay của LHQ, cả về thành phần, tôn chỉ mục tiêu và chỉ tiêu lựa chọn thành viên ủy ban. Ông nhấn mạnh rằng ủy ban trên sẽ không giới hạn trong số các nhóm chính trị tham gia sự kiện ở Sochi. Ông đồng thời tuyên bố Ủy ban đàm phán Syria (SNC), phe đối lập tẩy chay hội nghị tại Sochi, sẽ có sự tham gia quan trọng trong tiến trình xây dựng dự thảo hiến pháp mới.
Ông Mistura cũng cho biết Ủy ban hiến pháp Syria sẽ chọn lọc thành viên từ số 150 ứng cử viên do Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đề cử. Ba nước này đã bảo trợ sự kiện chính trị quan trọng tại Sochi trong hai ngày 29 và 30-1, vì vậy mỗi nước có thể đề ra 50 ứng cử viên.
Theo tờ The Guardian, quá trình đàm phán hiến pháp mới cho Syria sẽ căng thẳng ngay từ khâu lựa chọn thành viên cho ủy ban hiến pháp. SNC đã bị đặt trong tình thế phải tham gia đề cử nhân sự cho ủy ban này hoặc bỏ lỡ cơ hội tham gia lộ trình chính trị. Vấn đề đặt ra cho SNC là ủy ban hiến pháp sẽ không nắm trong tay quyền buộc Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực, vốn là mục tiêu mà SNC luôn đặt lên hàng đầu.
Ông De Mistura cho biết sẽ tham vấn với tất cả các bên về những ứng cử viên cho Ủy ban hiến pháp Syria. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về danh sách thành viên ủy ban sẽ nằm trong tay phái đoàn đặc biệt của LHQ. Không có quốc gia nào kể cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có quyền phủ quyết đối với mọi ứng cử viên.