THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN - THƯỢNG TƯỚNG LÊ QUÝ VƯƠNG

Đại án Hà Văn Thắm rất phức tạp, điển hình lợi ích nhóm

Chia sẻ bên lề phiên họp Quốc hội ngày 25-10, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết dự kiến trong tháng 12 sẽ đưa ra xét xử vụ đại án này. 

Theo ông Vương, sự phức tạp của vụ án được thể hiện thông qua vụ việc có sự tham gia của nhiều người, dưới sự chỉ đạo của một nhóm lợi ích và cá nhân thông qua hoạt động ngân hàng. Trong đó, thủ đoạn chính là lập các công ty con dưới danh nghĩa là công ty lớn, có quy mô trên thị trường, chuyển tiền lòng vòng giữa các công ty, mua bán bất động sản,…

“Nguy hiểm nhất là các công ty này đầu tư không đúng với hoạt động của DN, trái ngành nghề, dễ dẫn đến sụp đổ" - ông Vương nói.

"Một đặc điểm của hệ thống ngân hàng VN là huy động tiền gửi từ người dân theo kỳ hạn, không kỳ hạn nhưng ngân hàng lại dùng tiền đó cho các công ty, tổ chức vay đầu tư theo dài hạn. Lấy tiền ngắn hạn để đầu tư dài hạn là rất rủi ro. Đây là điểm bất cập trong hệ thống ngân hàng” - thứ trưởng Vương phân tích.

Đại án Hà Văn Thắm rất phức tạp, điển hình lợi ích nhóm ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương chia sẻ về đại án Hà Văn Thắm

Một điểm khó khăn nữa được đại diện Bộ Công an chỉ ra, hoạt động ngân hàng diễn ra phạm vi rộng, cơ quan điều tra phải chứng minh từ chủ trương của HĐQT, ban giám đốc, rồi đến các thủ đoạn…

Mọi việc không chỉ dừng ở mấy trang giấy mà phải mất hàng tạ hồ sơ. Đơn cử như vụ Huyền Như, cơ quan công an đã phải chuyển vào TP.HCM mấy tạ hồ sơ để tòa án nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ thêm, ở các nước phát triển họ tập trung vào thị trường chứng khoán, phát triển trái phiếu, cổ phiếu,… Tất cả giao dịch trên sàn chứng khoán là huy động nguồn tiền theo thị trường. Còn Việt Nam, ngân hàng chủ yếu tập trung vào vốn huy động trong dân và trả lãi cho khách hàng; điều này khác với ở Nhật, khách hàng còn phải trả phí để ngân hàng giữ hộ, bảo vệ tiền của mình.

“Từ thực tế này, nảy sinh ra hàng loạt thao tác ngân hàng như thẩm định, thế chấp. Đặc biệt trong các giao dịch bất động sản luôn rủi ro vì giá bất động sản lúc lên lúc xuống, lại đầu tư bằng nguồn vốn lớn, khi gặp khó khăn, ứ đọng dòng tiền, phát sinh lãi lớn dẫn đến nợ xấu, không có khả năng trả nợ,… Do đó, cần đổi mới mô hình quản lý hệ thống ngân hàng” - ông Vương nói.

Vậy cần có giải pháp nào để lập lại trật tự hệ thống ngân hàng? Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay đây là vấn đề được Chính phủ bàn rất kỹ qua nhiều buổi họp cũng như đã báo cáo Bộ Chính trị.

Ngân hàng Nhà nước đang soạn đề án lớn tái cơ cấu ngân hàng, tập trung vào các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, sắp xếp các ngân hàng cổ phần nhỏ, với quan điểm ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ, theo hướng phát triển thị trường chứng khoán, các công ty mua bán tài chính bởi thị trường chứng khoán Việt Nam còn mỏng manh. Bên cạnh đó tìm ra giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động gửi tiền - cho vay.

Trước chủ trương thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém, Thứ trưởng Vương lưu ý từ xưa đến nay Việt Nam chưa áp dụng hình thức phá sản ngân hàng nên cần thận trọng từng bước, trường hợp cần thiết vẫn phải cho phá sản.

Chính phủ đang có một vài phương án áp dụng hình thức này và sẽ chọn một phương án tối ưu nhất, đảm bảo ổn định hoạt động tài chính tiền tệ, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, hay nói cách khác vai trò của Chính phủ về bảo lãnh người gửi tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm