Đại án Việt Á và 'của tin còn một chút này...'

(PLO)- Cuộc sống luôn có ngoại lệ. Việc bị cáo - cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh không nhận tiền cảm ơn từ Việt Á là một ngoại lệ khiến người ta nhớ đến câu “Của tin gọi một chút này làm ghi…”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong đại án Việt Á, nhiều cựu quan chức đã nhận tiền “cảm ơn” từ Phan Quốc Việt (ông chủ Việt Á) lên đến hàng triệu USD, trong đó có cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long, cựu bí thư tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng... Duy nhất có một bị cáo kiên quyết không nhận tiền “lại quả” từ Việt, đó là cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh.

Trong đại án này, cựu giám đốc CDC của các tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương bị truy tố về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 222 BLHS 2015. Điểm chung của các bị cáo này là sau khi tạo điều kiện cho Việt Á cung ứng kit test tại địa phương, Việt Á đều mang tiền “cảm ơn” đến để “lại quả”.

Cựu Giám đốc CDC Bắc Giang nhận tiền cảm ơn qua 2 sổ tiết kiệm với số tiền lên đến 5 tỉ đồng. Cựu Giám đốc CDC Nghệ An tuy không đòi hỏi nhưng do họ có nhã ý cảm ơn nên cũng đã nhận 185 triệu đồng.

đại án việt á
Cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh tại phiên tòa Việt Á. Ảnh: CTV

Dẫu có thể biện minh rằng bị cấp trên chỉ đạo trái pháp luật hoặc giả vì lợi ích chung của cộng đồng, của toàn xã hội trong công tác phòng, chống dịch mà dẫn đến làm trái quy định pháp luật, nhưng việc nhận tiền cảm ơn đã làm cho những lời biện minh ấy không có nhiều giá trị thuyết phục.

Nói cách khác, không ai ngây thơ tin rằng các cựu giám đốc này cố ý làm trái quy định pháp luật với động cơ trong sáng. Thế mới biết, khi đã có hành vi vụ lợi thì lời biện bạch chỉ là những mỹ từ sáo rỗng, bởi “trót vì tay đã nhúng chàm, dại rồi còn biết khôn làm sao đây”.

Tuy vậy, cuộc đời vẫn luôn có ngoại lệ. Trong vụ án trên, cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh đã từ chối nhận tiền “cảm ơn” từ Việt Á. Việc từ chối này không chỉ diễn ra một lần mà là nhiều lần, với thái độ thẳng thừng, cương quyết.

Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát, CDC Bình Dương đang dùng kit xét nghiệm của hãng Roche và test tách chiết của Công ty VNDAT. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Danh - giám đốc CDC Bình Dương đã chỉ đạo nhân viên liên hệ với Công ty Việt Á và Công ty VNDAT để ứng trước kit xét nghiệm của Việt Á và test tách chiết của VNDAT sử dụng trước rồi hợp thức thủ tục đấu thầu thanh toán, quyết toán sau.

Việc hợp thức thanh toán sau đó được thực hiện trót lọt thông qua 5 gói thầu và 7 hợp đồng với trị giá hơn 82 tỉ đồng. Hành vi trên của ông Danh đã vi phạm quy định về đấu thầu và gây thiệt hại cho tài sản nhà nước là 55 tỉ đồng.

Hành vi trái pháp luật của ông Danh đã rõ ràng, hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước cũng hiện hữu. Do đó, cáo buộc của cơ quan truy tố được ông Danh nhìn nhận là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, ông khẳng định bản thân mình không vụ lợi. Điều này được xác thực bởi các nhân viên của Việt Á - những người trực tiếp mang tiền đến gạ gẫm ông nhưng như đã nói, ông nhất quyết không nhận.

Ông không nhận có thể với lý do được ghi nhận chính thức trong lời khai là “do sắp về hưu nên không muốn liên quan đến tiền bạc, hoa hồng”. Ông không nhận cũng có thể vì thấy không nên dính vào bạc tiền khi cả nước đang oằn mình chống dịch, như một phản xạ tự nhiên của những người có tính thiện lành...

Đã có rất nhiều người nhận tiền cảm ơn trong vụ đại án này, từ người nhận vài trăm triệu cho đến người nhận vài chục tỉ đồng. Hành vi của họ đã và đang được soi rọi kỹ lưỡng dưới ánh sáng công lý của cơ quan tư pháp. Việc nhận lợi ích vật chất trước hay sau khi thực hiện hành vi trái pháp luật cũng sẽ được Tòa án cân nhắc cụ thể để có thể đưa ra các phán quyết thấu lý, đạt tình.

Trong mối tương quan ấy, việc không nhận tiền “cảm ơn” của ông Nguyễn Thành Danh không chỉ trở thành điểm cộng cho chính ông khi tòa xét xử. Việc một quan chức khảng khái khước từ lợi ích vật chất trong một đại án có nhiều bạc tiền chi phối, trong chừng mực nào đó, còn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta vào sự thiện lương cốt lõi của con người.

Giữa bộn bề những nỗi lo về tham nhũng, giữa những đại án với các con số bạc tiền lên đến hàng triệu, hàng tỉ USD, chuyện một bị cáo – cựu quan chức CDC không nhận tiền “cảm ơn” dường như đã trở thành niềm an ủi mang lại cảm xúc tích cực cho mọi người. Nói như cụ Nguyễn Du thì đây đúng là “Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Chiều 12-1, theo dự kiến HĐXX vụ Việt Á sẽ tuyên án đối với các bị cáo. Tuy nhiên, ngay trước khi HĐXX vào tuyên án, đại diện VKS bất ngờ có ý kiến.

Theo đó, đại diện VKS cho biết sau khi nghiên cứu tình tiết trong hồ sơ vụ án, quá trình tranh luận, xét hỏi tại phiên tòa và các tình tiết giảm nhẹ, trước khi HĐXX lượng hình đối với các bị cáo, VKS thấy cần phải quay lại phần tranh luận và có một số ý kiến đề nghị.

VKS xét thấy có một số bị cáo cần được giảm nhẹ mức hình phạt.

Cụ thể, với bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ bị xét xử về tội nhận hối lộ. Xét bị cáo có đơn tự thú và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, VKS đề nghị mức án 5-6 năm đối với bị cáo.

Trong phần luận tội trước đó, VKS đề nghị mức án 7-8 năm đối với ông Trịnh.

Đối với ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương bị xét xử tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, bị VKS đề nghị mức án 10 tháng 4 ngày, bằng thời hạn tạm giam.

Tuy nhiên, xét thấy ông Danh có nhiều tình tiết giảm nhẹ, là công dân ưu tú của tỉnh Bình Dương, VKS đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Danh.

Bị cáo Trần Thanh Phong, cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương bị xét xử về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong phần luận tội trước đó, VKS đề nghị xử phạt bị cáo 24-30 tháng, cho hưởng án treo.

Đến hôm nay, VKS xét thấy bị cáo chỉ là cấp dưới, làm việc theo chỉ đạo, không vụ lợi, VKS cũng đề nghị miễn trách nhiệm hình sự với bị cáo.

Bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên, nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã chủ động khắc phục hậu quả trước khi khởi tố, do đó VKS đề nghị mức án 30-36 tháng cho hưởng án treo, thay vì mức án 2-3 năm tù như đề nghị trước đó.

Sau đề nghị của VKS, HĐXX đã nghị án và hiện bắt đầu tuyên án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm