Đại biểu đừng sốt ruột, nợ công vẫn an toàn

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chiều 10-6, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB QH) tập trung vào vấn đề nợ công. ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi: “Theo kế hoạch năm 2014, số chi nợ công chiếm gần 21% tổng chi ngân sách nhà nước, trong khi số chi thường xuyên xấp xỉ 90% tổng thu ngân sách dự toán, làm sao đủ trả nợ chưa kể chi đầu tư phát triển? Như vậy, với tình trạng vay để trả nợ thì nợ công có thực sự an toàn hay không?”.

Thấp hơn các giới hạn của QH

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời: “Trong những năm gần đây, con số tuyệt đối của nợ công tăng lên nhưng để đánh giá tính bền vững và độ an toàn của danh mục phải tính đến cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Với các con số được công bố thời gian qua, có thể thấy nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các giới hạn của QH. Tỉ lệ trả nợ của Chính phủ/tổng thu ngân sách tính đến cuối năm 2013 vượt ngưỡng 25%. Tuy nhiên, phân tích sâu thì trong số đó có 10% là vay để đảo nợ. Việc vay đảo nợ không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ nên nếu trừ nghĩa vụ vay để đảo nợ thì tỉ lệ trên vẫn nằm ở mức 20%-21%, dưới mức 25%. “Các ĐB sốt ruột là đúng nhưng mức trả nợ vẫn cho phép, nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn” - bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thắc mắc: “Tính đến năm 2013, tỉ lệ nợ công bằng 53,4% GDP có bao gồm vốn vay của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ bảo lãnh hay không?”. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nợ công bao gồm cả DNNN và các DN ngoài. Trong cơ cấu nợ công thì 50% là nợ nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp với thời hạn trả nợ còn lại là 14-15 năm. 50% khoản còn lại là trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác với thời hạn ngắn (2, 3, 5 năm). Đây thực sự là vấn đề hệ trọng cần phải có giải pháp cơ cấu lại. “Vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn để vừa phục vụ phát triển mới, vừa phục vụ cho vay đảo nợ” - Bộ trưởng Dũng cho biết.

Kiên nhẫn đòi nợ lời hứa của bộ trưởng!

Các ĐB cũng “truy” tư lệnh ngành tài chính về việc chậm hoàn thiện nghị định sửa đổi Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tỏ ý không hài lòng: “Tôi đã nhiều lần lên tiếng trước QH phản ánh của cử tri về thực trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, sự nhập nhằng trong kinh doanh và có dấu hiệu lợi ích nhóm trong điều hành giá kinh doanh xăng dầu. Tình trạng này kéo dài và chịu thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng. Đặc biệt cách sửa nghị định này rất khó hiểu, cứ vài tháng lại đem ra sửa một lần; sát kỳ họp này lại đưa ra bàn và nhất là lại có một đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công Thương, làm nặng nề thêm tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của Bộ Công Thương. Vậy bộ trưởng Tài chính và Công Thương chịu trách nhiệm thế nào khi không thực hiện đúng lời hứa với cử tri?”.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, hiện nay việc điều hành giá xăng dầu theo thị trường đã tránh được giật cục, tránh cú sốc cho nền kinh tế và lạm phát. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính cũng cho rằng trong quá trình điều hành không tránh khỏi có những vướng mắc, việc sửa đổi Nghị định 84/2009 là cần thiết. Ngày 8-6, Thủ tướng đã nghe ý kiến về sửa đổi nghị định và trọng tâm là rút ngắn thời gian tính giá, thời gian càng rút ngắn thì càng sát giá thị trường. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ chỉnh sửa lần cuối, trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới để nghị định sớm được ban hành.

Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm

Được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng gợi ý làm rõ thêm với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã xin nhận trách nhiệm trước QH để xảy ra sự chậm trễ ban hành nghị định trên. Bộ trưởng Hoàng đánh giá vấn đề xăng dầu liên quan đến toàn dân nên các bộ rất thận trọng và xem xét kỹ để nghị định đi vào cuộc sống sau khi ban hành, tránh trường hợp như Nghị định 84/2009. Cụ thể, cần xem xét để làm sao cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu bám sát với tín hiệu của thị trường hơn; tạo sự thuận lợi cho quá trình cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. Từ đó sẽ có thêm nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền.

Còn về trường hợp chuyển giao giữa hai bộ, ông Hoàng chia sẻ: “Bản thân Bộ Công Thương không muốn có sự điều chỉnh này. Về bản chất điều hành lâu nay, Bộ Tài chính cũng không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu mà thực hiện cơ chế liên ngành phối hợp, Bộ Tài chính là tổ trưởng tổ điều hành. Nếu Bộ Công Thương không đồng ý, không nhất trí thì Bộ Tài chính phải báo cáo với Chính phủ để quyết định giá. Bây giờ với quy định mới, nếu Bộ Tài chính không đồng ý thì Bộ Công Thương cũng phải làm tương tự”. Trong khi đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải việc chuyển giao điều hành cho Bộ Công Thương là rất bình thường và đúng theo Luật Giá. Trong quá trình này, Bộ Tài chính vẫn tham gia và chia sẻ với Bộ Công Thương để tạo ra minh bạch.

TRÀ PHƯƠNG

 

Kết quả xử lý EVN?

. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Thanh tra Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những vi phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc đưa những chi phí quản lý vận hành, nhà ở biệt thự, liền kề, chung cư cao cấp có bể bơi… vào giá điện. Từ đó đến nay đã sáu tháng vẫn chưa có báo cáo kết quả xử lý theo kết luận thanh tra?

+ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Ngày 22-5, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về hướng xử lý. Theo đó, đối với chi phí khấu hao các công trình nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành sửa chữa điện, nhà ở cho công nhân tại các nhà máy điện sẽ được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Trường hợp nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê, số tiền thu được thì hạch toán giảm chi phí giá thành của điện. Còn chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề nhà chung cư mà EVN cho cán bộ công nhân thuê thì không được hạch toán đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh của điện. EVN phải xác định đơn giá cho thuê các loại nhà này và EVN phải thu hồi, hạch toán riêng khoản thu hồi. Về chi phí đầu tư công trình nhà trẻ, bể bơi, sân tennis EVN phải yêu cầu các đơn vị thành viên sử dụng quỹ phúc lợi và không được tính chi phí khấu hao để đưa vào tính giá thành của điện.

Chúng ta có bốn nhóm món nợ lớn gồm: nợ công, nợ thu ngân sách, nợ xấu, nợ thuế; nợ việc làm cho người lao động; nợ văn bản; nợ các giải pháp phòng, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Cả bốn món nợ này đã và đang rất nóng, cử tri cả nước yêu cầu QH, Chính phủ phải xử lý.

Chủ tịch QH NGUYỄN SINH HÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm