Đó là vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra trong phiên thảo luận tại nghị trường về dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi, sáng 16-6. Theo các ĐB, hiện nợ công được ba cơ quan cùng quản (gồm Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) nhưng quy định về trách nhiệm trả nợ lại “rất mập mờ”…
Trách nhiệm “rất mập mờ”
Cho ý kiến về dự luật, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc dự luật vẫn giữ quy định nợ công được ba cơ quan cùng quản có ưu điểm căn bản là phát huy được thế mạnh của mỗi cơ quan trong việc huy động các nguồn vốn vay. Tuy nhiên, việc phân chia như trên không gắn giữa trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm và khả năng trả nợ.
Ông Cường nhấn mạnh việc phân tách như vậy là không phù hợp và phân tích: “Điều này không chỉ gây nguy hại là vượt trần nợ công mà điều nguy hại hơn là thời hạn và tiến độ trả nợ gốc và lãi không phân bổ đều theo thời gian, không phù hợp với thu chi ngân sách, thặng dư xuất, nhập khẩu và khả năng trả nợ của nền kinh tế, tạo ra áp lực trả nợ dồn vào từng thời điểm nặng như giai đoạn hiện nay”.
Cũng theo ĐB Cường, việc quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công hiện “rất mập mờ”. Trong luật hiện nay đang quy định trách nhiệm như thẩm định, giám sát, đề xuất, báo cáo..., những quy định như vậy không phải là trách nhiệm mà là nhiệm vụ của cơ quan đó phải làm.
“Nếu không quy định trách nhiệm phải gánh chịu về hậu quả thì đương nhiên cơ quan nào cũng muốn nhận nợ về mình. Người xưa có câu “trên đời có bốn cái dại, trong đó có cái dại là lãnh nợ”. Bởi vì ở đây không quy định lãnh nợ phải chịu trách nhiệm trả nợ nên lãnh nợ không phải là dại như người xưa nói” - ĐB Cường nói và đề nghị phải quy định các cơ quan đi vay về cho vay lại hoặc bảo lãnh vay phải chịu trách nhiệm trả nợ thay nếu người vay không trả được nợ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng việc quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công hiện “rất mập mờ”. Ảnh: QH
Thấy bất cập mà không sửa là dở
Theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối để quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng với yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được hạn chế đang diễn ra trên thực tế. “Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện quy định một đầu mối quản lý. Một số ĐB nói rằng không có mô hình duy nhất cho tất cả các nước nhưng chúng ta cũng nên tổng kết lại để xem quá trình quản lý trong thời gian qua đã hiệu quả chưa. Nếu hiệu quả thì tại sao nợ công lại tăng nhanh như vậy?” - ĐB Tuyết đặt câu hỏi.
Theo đó, ĐB Tuyết đề nghị cần giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước đối với các khoản vay nợ và nguồn trả nợ để không ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. “Quan trọng là phải quy trách nhiệm các cơ quan trong quản lý nợ công, tránh tình trạng cứ vay về nhưng không trả được. Trong đó gắn với trách nhiệm của người đứng đầu khi vay về nhưng sử dụng không hiệu quả, dẫn đến không có khả năng trả nợ” - ông nói.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ về bất cập trong đầu mối quản lý nợ công của Việt Nam so với quốc tế. “Chúng ta có thể làm được ngay, cũng có thể chưa làm được ngay, cần phải có lộ trình hợp lý để làm sao không ảnh hưởng tác động lớn đến quản lý nợ công. Nếu chúng ta làm được ngay thì rất tốt. Chúng ta thấy bất cập mà chúng ta không sửa thì cũng rất dở…” - ông nói.
Tiềm ẩn phá vỡ giới hạn nợ Quy mô nợ công của chúng ta hiện nay tăng quá nhanh, tiềm ẩn phá vỡ giới hạn nợ. Bình quân giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng 18,4%/năm, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng GDP. Quy mô nợ công tăng từ 50% GDP năm 2010 lên 62,2% GDP cuối năm 2015, gấp 2,3 lần năm 2010. Cuối năm 2016, nợ công của nước ta là 64,73% GDP, sát với giới hạn QH cho phép là 65% GDP. ĐB NGUYỄN VĂN TUYẾT |