Sáng 8-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tại tổ Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận về độ tuổi trẻ vị thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 12 BLHS, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 điều của BLHS (mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7 năm tù đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt vấn đề: “Tôi có một ý hơi băn khoăn đó là về tuổi. Tuổi ở đây quy định là 14 tuổi trở lên 18 tuổi. Nói thật là tôi cũng chưa hiểu vì sao lại lấy cái tuổi 14. Ví dụ như quy định tuổi đấy là cái tuổi gì đấy chẳng hạn, hoặc là sinh lý, tâm lý, hay gì đó. Cơ sở cái này tôi đọc trong này tôi thấy chưa được rõ lắm. Tôi mong đồng chí Chính biết được nói cho được thì tốt. Tôi không hiểu vì sao lại 14, tại sao không phải là 12. Còn quan điểm của tôi nếu cho được phát biểu thì tôi rất mong có thể từ 12. Bởi vì sao, bởi vì bây giờ trẻ em nó lớn, nó khôn nhanh lắm, trưởng thành cả tâm lý, kể cả sinh lý, kể cả hiểu biết, cho nên tôi cho là từ 12. Nhưng mà đây là quan điểm riêng của tôi, chưa biết như vậy có đúng hay không?”.
Trước băn khoăn của ĐB Trí, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng quy định của BLHS phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
“Hiện pháp luật Việt Nam đang quy định hai nhóm tuổi chưa thành niên là từ 14-16 tuổi và từ 16-18 tuổi. Cả hai nhóm này, mức hình phạt đều áp dụng cho người chưa thành niên, khác với quy định đối với người trưởng thành” - ông Chính nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng việc xử lý người chưa thành niên phạm tội thể hiện chính sách hình sự của một nhà nước.
“Chính sách hình sự của nhà nước thì không chỉ căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên” - ông Hà nói, dù thừa nhận xã hội càng phát triển thì khả năng nhận thức của người chưa thành niên càng sớm.
Theo ông Hà, chính sách hình sự của nhà nước phải thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo của nhà nước đó. Nhà nước càng phát triển thì chính sách hình sự càng nhân văn, nhân đạo, do vậy, tuổi chịu trách nhiệm hình sự lại càng phải tăng lên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng thời phong kiến, Bộ luật Hồng Đức (thời Lê sơ) quy định 7 tuổi đã bị xử hình sự rồi. Bộ Luật Gia Long (thời Nguyễn) nâng thêm, phải trên 7 tuổi.
“Càng thời sau này, chúng ta cứ nâng dần độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự lên. Trước đây, BLHS 1985, BLHS 1999 quy định 14 tuổi, chúng ta xử hình sự và xử gần như hết các tội. Đến BLHS 2015, chúng ta vẫn xử hình sự người chưa thành niên ở độ tuổi 14, nhưng chỉ thu hẹp còn 28 tội. Tức là tuổi chịu trách nhiệm hình sự càng ngày càng thu hẹp, chứ không phải càng ngày càng giảm xuống tuổi thấp hơn” - ông Đỗ Đức Hồng Hà nói.