Tổng thư ký Quốc hội vừa có văn bản báo cáo đại biểu Quốc hội về ý kiến thảo luận dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra vào cuối tháng 3.
Theo đó, dự luật nêu trên có bảy lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu với nhiều nội dung khác nhau.
Cụ thể, về quy định BHXH một lần, có ý kiến đại biểu đồng tình phương án một, có ý kiến lại đồng ý phương án 2 vì sát với chủ trương Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH và đảm bảo quyền rút bảo hiểm của người lao động. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến đối với cả hai phương án.
Đáng chú ý, có đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định sau 12 tháng không tham gia BHXH mới được nhận BHXH một lần. Bởi người lao động khó khăn mới cần rút BHXH để trang trải nhu cầu cấp bách trước mắt. Nếu đợi 12 tháng sau mới nhận vừa khó khăn cho họ và cơ quan BHXH trong việc quản lý, kiểm soát.
Ngoài ra, dự luật cần bổ sung các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho người lao động. Cụ thể như chính sách hỗ trợ về tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động có thời gian đóng BHXH. Từ đó, giúp họ vượt qua khó khăn khi mất việc, hạn chế rút BHXH một lần.
Về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có ý kiến đại biểu cho rằng, cần lấy ý kiến thêm của người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; người lao động hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố; chủ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp; kiểm soát viên và người đại diện phần vốn doanh nghiệp tại công ty mẹ và người quản lý, điều hành hợp tác xã... về khả năng đóng góp và mức độ tham gia BHXH. Bởi vì họ là những đối tượng có thu nhập không ổn định.
Song song đó, có ý kiến đề nghị quy định vào dự luật theo hướng giao Chính phủ thực hiện có lộ trình cụ thể (từ năm 2026) việc triển khai BHXH bắt buộc đối với một số nhóm lao động công nghệ như Grab, Shipper, bán hàng Online ... và Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Về chính sách hưu trí xã hội, có ý kiến cho rằng, trợ cấp cho người cao tuổi được chuyển từ Luật Người cao tuổi sang dự luật. Điều này có nghĩa chính sách này mới chỉ có sự thay đổi về mặt hình thức mà không thay đổi về chính sách, nên không đảm bảo mức sống tối thiểu hoặc gần tiệm cận mức sống tối thiểu thì không đảm bảo cuộc sống của nhóm người cao tuổi.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét mức trợ cấp hưu trí xã hội theo hướng phải cao hơn so với mức trợ cấp xã hội thì mới bảo đảm nguyên tắc an sinh xã hội. Đồng thời, đánh giá và báo cáo cụ thể hơn về vấn đề này để Quốc hội có cơ sở xem xét quyết định.
Theo dự kiến dự luật sẽ cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5 tới đây. Tuy nhiên có đại biểu đề nghị cân nhắc nên thông qua sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tức xem xét ở kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối năm nay, để có đánh giá toàn diện về chính sách lương hưu.
Hai phương án nhận BHXH một lần
Phương án một, người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, NLĐ không được rút BHXH một lần nữa.
Phương án hai, sau 12 tháng NLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.