Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án về rút BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, để tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Phương án một, người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, NLĐ không được rút BHXH một lần nữa.
Phương án hai, sau 12 tháng NLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.
Hai phương án nêu trên áp dụng cho những NLĐ bình thường. Riêng những trường hợp NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư… vẫn được rút BHXH một lần.
Tuy nhiên, đại diện Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, cho rằng dự luật lại không áp dụng hai phương án trên cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được quy định “cứng” với phương án một, tức không được rút BHXH một lần.
Trên cơ sở nghiên cứu, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam nhận thấy các quy định trên cần được đánh giá thận trọng. Bởi lẽ, NLĐ rút BHXH một lần vì quá khó khăn, nhu cầu tài chính ngắn hạn như chi phí y tế, trang trải nợ nần…
Thêm vào đó, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy số lượng lao động nữ rút BHXH một lần luôn cao hơn lao động nam. Điều này có thể lý giải dưới góc độ giới, phụ nữ phải thực hiện thiên chức mang thai, sinh con; cùng với đó, phần lớn phụ nữ đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình, trẻ em, người già, người bệnh những công việc không trả công.
“Thực tế này buộc không ít phụ nữ phải lựa chọn rút khỏi hệ thống bảo hiểm…” - đại diện Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh.
Cạnh đó, NLĐ thuộc khu vực phi chính thức nói chung và lao động nữ nói riêng phần lớn có thu nhập thấp, bấp bênh, việc làm không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhu cầu rút BHXH một lần để trang trải các chi phí sinh hoạt, chăm sóc y tế cho gia đình, khi mang thai và sinh con luôn hiện hữu rõ rệt.
Chính vì thế, việc dự thảo đề xuất quy định không cho phép rút BHXH một lần đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện kể từ khi dự luật mới có hiệu lực, dễ gây ra những phản ứng tiêu cực từ xã hội. Do đó, công đoàn ngành đề xuất cần quy định thống nhất về phương án giải quyết BHXH một lần.
“Theo đó, chúng tôi kiến nghị chọn phương án hai. Bởi phương án này có tính mềm dẻo, linh hoạt hơn và hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ xã hội” - Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm.
Còn theo bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, chính sách BHXH một lần cần xem xét và cân nhắc các tác động tới an sinh xã hội của NLĐ, đặc biệt là lao động nữ.
Song song đó, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ NLĐ tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.
“Chúng tôi mong muốn, những chính sách BHXH cần hết sức thận trọng có tính đến yếu tố dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để công nhân yên tâm gắn bó, góp phần ổn định tại đơn vị, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm an ninh trật tự trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội…” - bà Liên kiến nghị.
Liên quan đến chính sách BHXH một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa giao Thường trực Ủy ban xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự dự luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; trình Quốc hội xem xét việc thông qua dự luật tại kỳ họp thứ 7.