Phó Thủ tướng bày tỏ lo lắng về tình trạng rút BHXH một lần tăng cao

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ lo lắng về việc nhiều lao động không có việc làm dẫn đến việc rút bảo hiểm xã hội tăng cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị tổng kết của Bộ LĐ-TB&XH vào sáng 26-12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng nhiều lao động không có việc làm dẫn đến việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng cao.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH cần tập trung đưa ra những nguyên nhân để cải cách chính sách BHXH, đồng thời cải thiện lòng tin của người lao động vào hệ thống này.

Hàng nghìn người hưởng BHXH một lần

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết tháng 11 vừa qua, cả nước có hơn một triệu người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hơn 955.000 người được giải quyết nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận, năm vừa qua, do khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp giảm việc làm, giảm lao động, dẫn tới tỉ lệ lao động rút BHXH một lần tăng cao. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tới hết tháng 6-2023, cả nước có trên 668 nghìn người hưởng các chế độ BHXH một lần.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (đứng) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.GIÁP
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (đứng) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.GIÁP

Báo cáo từ các địa phương cũng cho thấy, trong quý III, cả nước có trên 118.000 người mất việc, trên 54 nghìn người phải nghỉ giãn việc (giảm so với quý trước đó). Số lao động bị giãn việc, giảm việc chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm hơn 66%), tập trung các ngành như da giày, dệt may, ở các địa phương như Bình Dương, TP.HCM.

“Số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng, khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Số người có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng và chiếm tới 65% lực lượng lao động, chủ yếu là nữ; thị trường lao động có hiện tượng mất cân đối cung - cầu”- Bộ LĐ-TB&XH đánh giá.

Điểm sáng của ngành LĐ-TB&XH năm 2023 đó là hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID-19, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy

Ghi nhận những kết quả năm qua của ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 phải tham mưu cho Chính phủ ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết 42 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội.

Đồng thời, thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của nghị quyết trong dự án của Luật BHXH (sửa đổi) thông qua vào kỳ họp thứ bảy và Luật Việc làm sửa đổi lấy ý kiến vào kỳ họp thứ tám.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ LĐ-TB&XH cũng cần đóng vai trò hạt nhân trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện chính sách ưu đãi về người có công với cách mạng. Đây là những việc hết sức nhân văn của chế độ và cũng là đặc trưng của xã hội Việt Nam, một đất nước đã trải qua hàng thế kỷ chiến tranh.

“Thời bình hiện nay, một mặt phải đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hồ sơ, mặt nữa cần phải làm những điều có thể làm tốt nhất để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh

Thêm vào đó, ông cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác an sinh. Đó là khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Song song đó, cần tăng cường thanh tra, tăng chế tài đối với doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH.

Tiếp thu các ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định bước vào năm 2024, ngành đặt phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”. Trong đó, đặt chỉ tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1%.

Để làm được việc này, ông cho rằng phải tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 của Trung ương. Tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững.

Năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động, người có công với xã hội, siết chặt kỉ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tập thể.

“Khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, thấy khó thì né, phức tạp thì đùn đẩy để làm sao thực thi hiệu quả chính sách, người dân được thụ hưởng…”- ông Đào Ngọc Dung nói.

Chăm lo Tết cho người có công...

Nhân dịp Tết Nguyên đán cận kề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ mong muốn và đề xuất các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầy đủ hơn, toàn diện hơn đối với tất cả đối tượng người có công, người yếu thế, để tất cả mọi người được đón tết vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm