Đại biểu Quốc hội: Người dân cả nước đang chờ​ đợi vaccine

Ngày 25-7, Quốc hội (QH) đã dành gần cả ngày làm việc để thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp phòng chống dịch COVID-19.

Sức khỏe của người dân và DN bị bào mòn

Đại biểu (ĐB) QH Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho là đất nước đang đối mặt với khó khăn, thách thức. “Quốc hội họp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã bào mòn cả sức khỏe của doanh nghiệp (DN) và cuộc sống của nhân dân” - ông nói.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời tại buổi thảo luận
kinh tế-xã hội. Ảnh: Đ.MINH

Ông cho hay dịch ở Quảng Trị chưa quá phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, số DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký và số vốn đăng ký bình quân một DN đều giảm và số DN ngừng hoạt động lại tăng. “Đó cũng là bức tranh chung của nhiều tỉnh, thành khác” - ông nói.

Còn ĐB Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhìn ở khía cạnh khác: Bên cạnh cách làm đúng, sáng tạo, linh hoạt thì việc áp dụng các biện pháp thái quá, cực đoan trong phòng chống dịch ở nhiều địa phương đang gây khó khăn cho đời sống người dân và DN.

Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều DN phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định…

Còn ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho hay khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm gần như dậm chân tại chỗ. Khu vực dịch vụ - kỳ vọng của nền kinh tế tăng trưởng thấp. Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cũng chưa có chỉ số khả quan… Nguyên nhân do các biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường khiến cho các DN gặp khó khăn, thậm chí nhiều DN lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải… đang “chết dần, chết mòn”.

Đưa giải pháp chưa có tiền lệ vào nội dung nghị quyết

Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Chính phủ đã trình QH thông qua nội dung nghị quyết về phòng chống COVID-19 để đưa vào nghị quyết chung của QH.

Đây là một giải pháp chưa có tiền lệ, trong đó quy định QH cho phép Chính phủ áp dụng các hành vi pháp lý ở mức cao hơn thẩm quyền khi phòng chống dịch. Nghị quyết chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp là phòng chống dịch COVID-19, trong đó bao gồm một số biện pháp hành chính, kiểm soát dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến mua và sản xuất vaccine, an sinh xã hội, một số vấn đề về tài chính - ngân sách, mua bán thiết bị vật tư y tế… Thời gian áp dụng nghị quyết dự kiến đến ngày 31-12-2022.

Nghị quyết thực hiện cơ chế giám sát trực tiếp của Ủy ban Thường vụ QH, ĐBQH và nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp LÊ THANH LONG 

Hỗ trợ người dân, tiếp sức cho doanh nghiệp

Trước khó khăn do đại dịch gây ra, các ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai nhanh chóng các gói hỗ trợ, giải pháp căn cơ để an sinh đời sống người dân, duy trì, tiếp sức cho DN.

Việc triển khai hỗ trợ phải đúng đối tượng, không làm phát sinh tiêu cực. “Khi chúng ta ngồi đây để thảo luận về định hướng, về kế hoạch thì ngoài kia, cuộc sống với dịch bệnh vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, người dân vẫn đang chờ đợi vaccine sớm đến với toàn dân...” - ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, nói.

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết trước ảnh hưởng của đại dịch, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và DN, như giảm giá điện, nước, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ khẩn cấp người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động… 

Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng (thực hiện năm 2020) dù chưa được như mong muốn nhưng đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỉ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng. Riêng đợt dịch thứ tư, qua triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng sau 15 ngày là kịp thời, đúng và trúng đối tượng. Các chính sách cũng thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với trước. Đến nay đã hỗ trợ cho 375.000 DN, 11 triệu lao động; hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị F0 và cách ly F1, hỗ trợ hơn 52.000 lao động (trong gần 6.000 DN) bị tạm nghỉ việc, không hưởng lương; hỗ trợ 5.500 hộ sản xuất, kinh doanh.

“Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lao động tự do đã được triển khai nhanh, có hiệu quả, nhất là tại các địa phương phải giãn cách xã hội. Tất cả lực lượng lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm ngàn người đã được các địa phương xem xét, đã và đang triển khai hỗ trợ. TP.HCM và nhiều địa phương đã ban hành và thường xuyên cập nhật, bổ sung đối tượng lao động tự do để được hưởng chính sách” - ông Dung nói.

Riêng tại TP.HCM, trong 15 ngày đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng, trực tiếp hỗ trợ cho 284.465 người lao động tự do, đạt kết quả 100% đối tượng được thụ hưởng, với 426 tỉ đồng. “Thời gian tới, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm tham mưu, tổng kết toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân, DN, người lao động, chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới cho kịp thời” - ông Dung cho biết.

Chìa khóa vaccine

Nhấn mạnh vaccine là chìa khóa để chiến thắng đại dịch, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đưa vaccine về nước, trong đó có việc khuyến khích, hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận.

“Ở Đồng Nai và một số địa phương khác có những DN đã chủ động liên hệ, tiếp cận được nguồn vaccine. Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ, hướng dẫn để nhân dân ở các vùng tâm dịch như Đồng Nai chúng tôi sớm được tiêm vaccine” - ông nói và đề nghị thêm cần đẩy nhanh việc sản xuất vaccine trong nước.

Cùng nội dung này, ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine, đặc biệt tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ sinh mạng người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, tránh đứt gãy nguồn cung.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định vaccine được Việt Nam coi là chiến lược, giải pháp để vượt qua đại dịch. “Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và hiện đang đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm” - ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay Việt Nam ký thỏa thuận cung ứng vaccine đầu tiên với Covax vào tháng 9-2020, qua đàm phán, ngoại giao đến nay đã có nhiều khả quan. Hiện nay, Việt Nam cũng có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.

“Riêng trong tháng 7 sẽ có hơn 12 triệu liều sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, TP là đầu tàu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin: Bộ Tài chính được Chính phủ giao nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí lên tới 24.000 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ báo cáo cấp thẩm quyền để quyết định gói này. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế đến ngày 1-1-2022 để thực hiện.

Về mua sắm vật tư y tế, thiết bị phòng chống dịch, vấn đề này đã được giải quyết tại các nghị quyết của Chính phủ, trong điều kiện chống dịch, được phép chỉ định thầu để mua sắm vật tư thiết bị trong điều kiện khẩn cấp. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về định giá và mua bán theo đúng hướng dẫn tại nghị định của Chính phủ. Phía Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn để các địa phương và Bộ Y tế thực hiện mua sắm cho kịp thời phòng chống dịch.

Không áp dụng máy móc các quy định

Dự báo dịch có thể còn tiếp tục bùng phát, kéo dài ở các địa phương, thậm chí lan sang các địa phương khác. Thời gian và phạm vi thực hiện Chỉ thị 15, 16 có thể còn kéo dài, gây khó khăn lớn cho chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối, lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu và đứt gãy cả nguồn cung cấp lao động cho ngành hàng này.

Bộ Công Thương đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, rau củ quả ở địa phương có dịch và vùng đệm cũng như cả nước để sẵn sàng cung ứng. Các ngành giao thông, công an, y tế, chính quyền các địa phương, nhất là những địa phương trong vùng dịch thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng không đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương NGUYỄN HỒNG DIÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm