Ngày 11-11, đoàn kiểm tra do ông Lê Minh Tấn, Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra các gói hỗ trợ tại huyện Hóc Môn.
Theo báo cáo thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại huyện Hóc Môn, ở đợt 1, huyện đã hỗ trợ cho 21.864 người lao động tự do với số tiền hơn 32,7 tỉ đồng. Đợt 2, huyện đã hỗ trợ đến người lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 171 tỉ đồng. Ở đợt 3, huyện đã chi hỗ trợ cho hơn 450.000 người với kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 450 tỉ đồng. Ngoài ra, số người đã được duyệt danh sách nhận hỗ trợ đợt 3 nhưng chưa được là hơn 110.000 người.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu trong buổi kiểm tra tại huyện Hóc Môn. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Ông Trương Văn Tánh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Hóc Môn, cho biết huyện có thành lập tổ tuyên truyền những chính sách hỗ trợ đến người dân. Ở gói hỗ trợ đợt 1 và 2 văn bản hướng dẫn cụ thể đối tượng được hỗ trợ nên việc tuyên truyền đơn giản, thuận lợi.
Tuy nhiên, khi triển khai gói hỗ trợ đợt 3 thì đối tượng được mở rộng hơn, việc xác định đối tượng hỗ trợ “người có hoàn cảnh thật sự khó khăn” cũng khó. Bởi văn bản hướng dẫn không giải thích rõ thật sự khó khăn cần đáp ứng điều kiện gì.
“Khi thực hiện công tác lập danh sách hỗ trợ, các địa phương cũng gặp muôn vàng câu chuyện khi xác định người thật sự khó khăn. Dịch kéo dài ba, bốn tháng, một người có điều kiện như có nhà lầu, có xe cũng yêu cầu lập danh sách. Khi tôi trực tiếp xuống trao đổi thì mới biết nhiều tháng họ không có thu nhập gì hết. Người dân cũng giải thích rằng họ có xe, có nhà đó nhưng không thể bán hay sử dụng được tại thời điểm này”- ông Tánh chia sẻ.
Đoàn kiểm tra, giám sát tại huyện Hóc Môn. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Một đại diện HĐND huyện Hóc Môn nêu: “Trải qua đại dịch này ai cũng khổ và quan trọng nhất chúng ta không thể kiểm soát được thu nhập của từng người. Vì thế, không thể đòi hỏi tổ trưởng, địa phương phải bình xét chính xác được. Theo tôi nghĩ với chính sách an sinh xã hội của TP hiện nay đã làm rất tốt và người dân rất đồng tình. Do đó, chúng ta nên rà soát lại xem trường hợp nào trùng hoặc loại trừ trong bốn nhóm đối tượng không thuộc diện được nhận, còn lại giải quyết cho nhận là quá tốt”.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Lê Minh Tấn cho hay thật sự dịch này ai cũng khó khăn, người giàu cũng khó khăn và người nghèo càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, hoàn cảnh của mọi người lại khác nhau. Nghị quyết 97 có nội dung “người có hoàn cảnh thật sự khó khăn” thì khi xét chúng tôi phải xét ở hoàn cảnh của người dân. Tiêu chí xem xét hỗ trợ là những người không có việc làm, mất thu nhập do thời gian giãn cách kéo dài, có mặt tại địa phương,…