Ngày 1-11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo giữa kỳ và các vấn đề liên quan khác. Ý kiến của các đại biểu (ĐB) Quốc hội cơ bản đồng tình với các đánh giá của Chính phủ trong các báo cáo, song cũng nêu thực trạng xã hội và giải pháp tháo gỡ căn cơ.
Chung cư mini cần nhưng phải quản lý chặt
ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nói vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội như giọt nước tràn ly của những tồn tại tích tụ lâu nay. “Song thực tế chung cư mini đang là cứu cánh chỗ ở cho người có thu nhập thấp, sinh viên” - ông Thắng nói thêm.
ĐB Thắng cho rằng cần bịt ngay lỗ hổng quản lý này bằng “giải pháp phù hợp” để vừa quản lý được chung cư mini vừa đáp ứng chỗ ở cho người lao động nghèo, sinh viên ở khu vực đô thị.
Cần nghiên cứu, ban hành quy định chế tài ngành điện, phải bồi thường cho doanh nghiệp khi cắt điện đột xuất, gây thiệt hại cho sản xuất.
ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) nói không thể vì tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có chỗ ở, học tập và lao động mà buông lỏng quản lý về xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị ở khu nhà ở, nhà trọ, khu chung cư... Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, bà Lịch nói chung cư này được cấp phép xây dựng sáu tầng nhưng chủ đầu tư xây tới chín tầng. Chủ sở hữu chuỗi chung cư này biết các kẽ hở trong quản lý nhà nước nên cần bị xử lý nghiêm khắc.
Ở góc khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng nếu chung cư mini được giám sát chặt, không xảy ra tắc trách thì không xảy ra vụ cháy như thế. Ông Nghĩa dẫn chứng chung cư ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội được cấp phép xây dựng sáu tầng nhưng chủ đầu tư xây tới chín tầng rồi cho thuê, thế thì vấn đề nằm ở giám sát. Công tác PCCC nếu công an làm kỹ thì không thể xảy ra như vậy được. Ông đồng tình không hợp thức hóa sai phạm đối với chung cư mini trong sửa đổi Luật Nhà ở.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) thì nói pháp luật về loại hình chung cư mini hiện “rất lỏng lẻo”, không rõ “về tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như yêu cầu quản lý” nên gây lúng túng cho quản lý, áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân hàng chục năm qua.
Đồng tình chung cư mini đáp ứng được nhu cầu đông đảo của người có thu nhập thấp nhưng bà Thủy đề nghị “dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini trong Luật Nhà ở”. Thay vào đó, Chính phủ cần tiếp tục triển khai những giải pháp ưu đãi để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra các chung cư mini; hướng dẫn kịp thời cho người dân để có giải pháp phòng ngừa an toàn cháy nổ…
“Tôi cũng kiến nghị trong nghị quyết của kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung yêu cầu về bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung, trong đó có an toàn cháy nổ đối với các chung cư mini hiện hữu” - ĐB Thủy nói.
Cắt điện đột xuất phải bồi thường
ĐB Nguyễn Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) đề nghị cần phải có cơ chế để cho vay trung và dài hạn vì những lĩnh vực này là động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là khoa học và công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế số, công nghệ cao… để gia tăng năng suất lao động, đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) thì đề xuất hỗ trợ nông nghiệp, từ đầu tư đến tiếp cận chính sách, cấp phép xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp đến ổn định quy hoạch. Tuy nhiên, điều ông Tuấn Anh quan tâm là “Ngân hàng Nhà nước cần phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh. Vì hiện nay lãi suất còn khá cao so với khả năng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp nên DN không thể tiếp cận vay vốn đầu tư cho nông nghiệp”.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) thì đề nghị tiếp tục nghiên cứu giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các DN, giãn khoản đóng góp cho DN. Bà đề nghị đánh giá kỹ số liệu DN thành lập mới, nhất là về khả năng giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách…
ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cùng với xăng dầu thì coi điện là loại năng lượng không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. ĐB Bình còn đề nghị “nghiên cứu, ban hành quy định chế tài ngành điện, phải bồi thường cho DN khi cắt điện đột xuất, gây thiệt hại cho sản xuất”.
ĐB Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) thì đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực; nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, trong đó có chương riêng quy định về hydrogen, amoniac xanh. “Tại kỳ họp này đề nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết kỳ họp nội dung: Giao Chính phủ sớm xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và hydrogen như ngành kinh tế mới mang tính đột phá, làm động lực phát triển” - ĐB Chinh nói.
Cần gỡ rối, chồng chéo từ… luật
ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đề xuất Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định có vướng mắc trong thực tiễn thi hành để địa phương triển khai thực hiện thuận lợi và có hiệu quả.
Từ thực tiễn tại Hải Phòng, ĐB Tân cho thấy thủ tục thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang vướng các nghị định của Chính phủ và Luật Đầu tư, vì mỗi nghị định và luật lại quy định khác nhau về chuyện chọn nhà đầu tư trước hay sau thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc xây dựng các khu công nghiệp cũng bị vướng về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong nghị định của Chính phủ và Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch.
ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) thì nói việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp.
ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng qua rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, tức là khoảng 6,5% trên tổng số các nội dung được rà soát.
ĐB Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) tranh luận: “Nếu chúng ta dừng lại ở tỉ lệ không cao và chúng ta để lửng ở đó thì nói chung chưa nhìn nhận được nguyên nhân dẫn đến tình trạng không dám làm và hiện pháp luật còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, buộc cơ sở, cấp dưới phải hỏi tới lui, địa phương hỏi Trung ương và tỉnh thì hỏi bộ, bộ trưởng”.
ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tranh luận cho rằng: “Chính sách, pháp luật của chúng ta đưa ra nhưng cách hiểu luật chưa thực sự thống nhất, dẫn đến cán bộ hiểu luật theo một cách nhưng đoàn kiểm tra, giám sát thì hiểu theo một cách khác”.
Dẫn ví dụ việc xác định giá trị đất trong các vụ án, ĐB Hạ dẫn trả lời của Chánh án TAND Tối cao trước Quốc hội khẳng định phải xác định giá trị đất đai tại thời điểm xảy ra vụ án. Nhưng thực tế lại có nhiều việc xác định giá trị đất đai tại thời điểm khởi tố vụ án.
“Có những vụ án lúc đầu ta xác định thiệt hại đến 4.000 tỉ đồng nhưng qua nhiều lần xác định lại thì còn có hơn 1.000 tỉ đồng thôi” - ĐB Hạ thông tin.
***********
“Để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa “xé rào””
Với đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ và doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, theo tôi cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác.
Chính phủ mới ban hành Nghị định 73/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo đó, “cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm” là những người “trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ” đã đề xuất và thực hiện những việc “nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật”.
Quy định đã bỏ đi vế thứ hai trong dự thảo là “đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn” . Theo tôi, bỏ như vậy là đúng vì chúng ta không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để khuyến khích, bảo vệ những người thực thi pháp luật mà vi phạm pháp luật.
Tôi từng phát biểu chúng ta phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào” để khắc phục những bất cập của pháp luật.
Tôi cũng cho rằng cần quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101/2023. Bởi đây là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định; xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ của chúng ta an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ. Đồng thời, giúp giảm bớt căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, thực tiễn luôn biến động. Chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao…, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh. Chúng ta cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp. Chúng ta có cách làm hay như “thông qua luật trong một kỳ họp” hay “một luật sửa nhiều luật”.
Tôi đề nghị Quốc hội (QH) xem xét, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua QH một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với chỉ một hoặc một vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp.
Có thể có ý kiến cho rằng QH không thể sửa luật “lắt nhắt” như thế mà phải xem xét toàn diện các bất cập để sửa một lần… Chúng ta đã nói nhiều về “luật khung”, “luật ống” đến việc phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Nếu có những luật ngắn gọn, cụ thể, kịp thời thì luật sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay.
Luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất các tiềm lực phát triển đất nước. Luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ì cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước.
Đại biểu TRẦN HỮU HẬU (Đoàn đại biểu QH tỉnh Tây Ninh)
phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1-11