Bất chấp cảnh báo tụ tập nơi công cộng, rất nhiều người dân Sierra Leone và Liberia đã đến nhà thờ cầu nguyện vào hôm chủ nhật vừa qua, với hi vọng có thể tìm được sự giải thoát khỏi “ác quỷ” Ebola.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Sierra Leone và Liberia, vốn đã yếu kém, nay còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Ebola. Chính quyền hai nước đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp như một giải pháp nhằm ngăn chặn được căn bệnh dễ lây lan và chưa có thuốc chữa này.
Bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh, người dân Liberia vẫn đổ xô đến nhà thờ cầu nguyện. Nhiều người thậm chí còn so sánh dịch Ebola với cuộc nội chiến tàn khốc, tàn phá đất nước từ năm 1989 – 2003, gây ra cái chết của hơn 250.000 người.
“Mọi người đều cảm thấy rất sợ…” ông Martee Jones Seator, một người dân Liberia nói, “Cho dù như thế nào, Ebola không thể làm lung lay đức tin của chúng tôi…bởi chúng tôi đã trải qua những thời điểm khó khăn nhất”.
Được xem là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người, Ebola giết chết hơn 90% những người nhiễm bệnh. Mặc dù được phát hiện cách 40 năm trong các khu rừng Trung Phi, Ebola vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả. Những triệu chứng của bệnh gồm xuất huyết nội và ngoại, sốt, tiêu chảy và nôn mửa.
Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch Ebola, hôm thứ sau vừa qua, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Theo WHO, tính đến thời điểm hiện tại đã có 1779 trường hợp bị phát hiện nhiễm Ebola, 962 người đã chết. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do những khó khăn trong cơ sở y tế và kinh phí.
Những lo ngại về sự lan rộng dịch Ebola tăng lên khi nó xuất hiện tại Nigeria – quốc gia đông dân nhất châu Phi hồi cuối tháng 7 vừa qua. 7 trường hợp đã được phát hiện, 2 trong số đó đã tử vong khiến nhà chức trách Nigieria phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Hôm chủ nhật, Burkina Faso trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên tiến hành các đợt kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt ở sân bay để ngăn chặn sự ảnh hưởng của dịch Ebola nguy hiểm. Tại Senegal, khu vực biên giới phía Bắc giáp với Guinea, một người đàn ông đã bị cách ly để theo dõi sau khi có những triệu chứng của bệnh Ebola.
Trong nỗ lực ngăn chặn Ebola lan tới Mỹ, các quan chức y tế ở Bắc Carolina cho biết, họ sẽ yêu cầu các nhà truyền giáo và những người khác trở về nhà sau khi đã làm việc với những người nhiễm Ebola.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch Ebola đã xuất hiện tại Philippines, Hồng Công, Thái Lan, Ả rập Saudi và Canada. Đó là chưa kể đến các trường hợp đang được cách ly theo dõi ở một số quốc gia. Những người này được cho là vừa trở về từ vùng dịch và bị sốt – triệu chứng đầu tiên của bệnh Ebola.
Bảo Duy (Theo Reuters)