Đại diện Bộ Xây dựng:‘Cản trở đầu tư là cần thiết’

Ngày 4-10, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ KH&ĐT, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đồng tổ chức.

Biết gây khó nhưng... không thể bỏ

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng nhận xét rằng ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đã “đụng chạm” đến các luật chuyên ngành nhưng ban soạn thảo lại không có chuyên gia về chuyên ngành. Vì vậy đề nghị ban soạn thảo hết sức cân nhắc khi sửa đổi (các luật về chuyên ngành - PV), bởi có những thủ tục tuy gây khó khăn cho nhà đầu tư nhưng không thể bỏ.

“Ví dụ, hiện nay có những vùng sâu, vùng xa cần giấy phép mới lập được dự án đầu tư xây dựng. Vậy việc cấp giấy phép quy hoạch này có cần thiết hay bãi bỏ?” - đại diện Bộ Xây dựng đặt vấn đề.

Vị đại diện nói trên cũng nêu quan điểm không thể lấy Luật Đầu tư làm luật khung, bắt các luật khác phải theo. “Việc cản trở nhà đầu tư là có nhưng chúng tôi nghĩ cản trở là cần thiết”.

Ông cũng ví dụ thêm: “Việc giao cho chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định là không thỏa đáng. việc thẩm định và trách nhiệm thẩm định thuộc về người hành nghề chứ chủ đầu tư chỉ là người có tiền đầu tư mà thôi”.

Nhiều nhà đầu tư thực sự không còn nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án nhưng lại gặp khó khăn trong chuyển nhượng. Ảnh minh họa: HTD

Có khi 10 năm mới xong phần thủ tục

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng đang có vướng mắc trong chuyển nhượng dự án. “Nhiều địa phương gặp trường hợp có dự án muốn chuyển nhượng vì nhà đầu tư không có tiền để làm nữa. Tuy nhiên, không có văn bản nào hướng dẫn việc chuyển nhượng nên địa phương không làm được”- ông Hiển nói.

Ông kể khi Nhà nước giao nguồn lực như đất đai cho nhà đầu tư thì cũng có tâm lý lo lắng nhà đầu tư trì hoãn thực hiện hoặc thực hiện sai mục đích, đầu cơ để chờ chuyển nhượng dự án... Tuy nhiên, thực tế có những nhà đầu tư thực sự không có khả năng, nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án của mình nữa nhưng lại gặp khó khăn trong chuyển nhượng.

“Chính sự chồng chéo này gây lúng túng cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan thực thi. Do vậy cần phải minh bạch từ khi xây dựng dự án đến khi kết thúc dự án thì nhà đầu tư cần phải qua những thủ tục nào. Chỉ Luật Đầu tư mới làm rõ được. Nếu không thì lại phải theo luật chuyên ngành, mà theo luật chuyên ngành thì không làm được vì mâu thuẫn nhau” - ông Hiển góp ý.

Cũng liên quan đến vấn đề chuyển nhượng dự án, ông Phạm Khuê Nguyên, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nêu một số vướng mắc cần sửa đổi. Ông Nguyên dẫn chứng trường hợp một dự án được cấp phép từ năm 2000 nhưng mãi đến 10 năm sau mới có mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư. Thời hạn dự án là 50 năm, theo quy định sẽ tính từ thời điểm cấp phép đầu tư là năm 2000.

Như vậy là dự án đã mất 10 năm nằm chờ giao đất, tức mới xong phần thủ tục! Chủ đầu tư dự án này sau một thời gian muốn chuyển nhượng hay liên doanh, liên kết thì rất khó vì đối tác thấy thời hạn dự án chỉ còn lại quá ngắn, khó có khả năng khai thác để thu hồi vốn.

“Nói chung các tỉnh có tâm lý ngán ngại việc chuyển nhượng dự án vì không muốn rắc rối” - ông Nguyên phân tích nguyên nhân.

Ký quỹ “khủng”

Bà Bùi Ngọc Vị, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, nêu thực tế có trường hợp mua doanh nghiệp, sau đó đổi tên từ A thành B rồi xin điều chỉnh chủ trương dự án theo tên mới. Nhưng Luật Đầu tư không quy định vấn đề này. Thế nên khi địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định thì các cấp đòi phải làm theo đúng quy định. Đòi hỏi này là đúng nhưng không có quy định thì làm sao làm theo!

Bà Bùi Ngọc Vị cũng đề nghị nên xem xét lại mức ký quỹ. “Quy định là ký quỹ trên tổng mức đầu tư. Song thực tế có dự án xây dựng bệnh viện trị giá rất lớn, trong đó phần đất thì chỉ có mấy ngàn mét vuông, tức giá trị nằm ở cơ sở vật chất của bệnh viện. Vậy mà lại bắt nhà đầu tư ký quỹ tính trên cả giá trị cơ sở vật chất của bệnh viện là gây khó cho doanh nghiệp” - bà Vị nói.

Lô hàng 165 triệu, tiền kiểm tra hết… 134 triệu

Theo Bộ KH&ĐT, những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã và đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm so với năm trước, thậm chí chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn.

Ví dụ, một công ty nhập khẩu lô hàng tám máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương 165 triệu đồng. Nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng, chưa kể chi phí vận chuyển. Có công ty sản xuất, xuất khẩu thủy sản một năm chi phí khoảng 6 tỉ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thủy sản.

Bộ KH&ĐT cũng nhận xét tình trạng chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn khá phổ biến. Một mặt hàng có khi bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật (luật, nghị định, thông tư) trong cùng lĩnh vực hoặc thuộc các lĩnh vực khác nhau dẫn đến phải chịu sự quản lý của nhiều bộ với các cách quản lý khác nhau. Thậm chí có mặt hàng chịu sự quản lý khác nhau của các đơn vị trong cùng một bộ.

Thống nhất một mối thôi

Khi Sở KH&ĐT thẩm định nhu cầu sử dụng đất thì phải tổ chức các cuộc họp với các thành phần liên quan, trong đó có người bên Sở TN&MT tham gia. Sau đó Sở TN&MT tiếp tục chủ trì họp thẩm định nhu cầu sử dụng đất, cũng bao nhiêu đó thành phần.

Việc họp này diễn ra rất nhiều, Sở TN&MT mất hai ngày trong một tuần để họp. Sở KH&ĐT cũng mất hai ngày trong một tuần để họp. Chưa hết, có khi hôm nay ông này đi họp, hôm sau bận, cử ông kia đi họp mà ý kiến lại khác nhau. Thế là phải lập biên bản, thư qua, tin lại… mới xong. Chính vì thế thời gian lâu, thủ tục nhiêu khê, nhà đầu tư phải qua lại, tới lui nhiều lần. Bởi vậy chúng tôi đề nghị giao cho một đầu mối để đơn giản hóa thủ tục.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm