Chiều 19-7, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) trẻ, cá nhân khởi nghiệp. Tại đây các DN đã thẳng thắn đưa ra nhiều kiến nghị với lãnh đạo UBND TP.
Trần ai xin hỗ trợ
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tiến Thịnh, phản ánh Sở Công Thương đã từ chối khá nhiều hồ sơ xin hỗ trợ của DN. Mặc dù Sở vẫn xác nhận sản phẩm của DN thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng lại cho rằng DN kinh doanh không thuộc hạng mục ngành nghề của Quyết định 50/2015 của TP về hỗ trợ.
“Không chỉ vậy, việc xin hỗ trợ rất phức tạp. Cụ thể muốn xin hỗ trợ, DN phải đến UBND TP để xin chấp thuận. Sau đó quay lại Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Sở Công Thương để xin tiếp. Nhiều DN cảm thấy quá khó khăn. Chính Tiến Thịnh là một trong các DN bị vướng, mong UBND TP có hướng dẫn giúp đỡ các DN nhận được hỗ trợ” - ông Thịnh đề nghị.
Ngoài ra đại đa số DN không thể đạt cùng lúc ba tiêu chí để được TP hỗ trợ, đó là giá thành cạnh tranh, chất lượng đạt yêu cầu và nhà xưởng cùng trang thiết bị đúng chuẩn. “Do đó TP nên xét lại tiêu chí hỗ trợ này” - ông Thịnh đề nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề thủ tục, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, phản ánh việc đăng ký kiểm dịch sản phẩm động vật rất mất thời gian cho DN. Để đăng ký kiểm tra, DN phải scan toàn bộ hồ sơ gửi email, song song đó là gửi bưu điện cho Cục Thú y ở Hà Nội. Sau khi cục này nhận hồ sơ năm ngày thì mới trả giấy hướng dẫn đăng ký kiểm tra tại cơ quan thú y trên địa bàn DN hoạt động. Bản hướng dẫn kiểm dịch này lại phải xin Chi cục Thú y đóng dấu treo và phải dùng bản này thì DN mới có thể nộp hồ sơ cho cơ quan thú y vùng. “Thủ tục hết sức nhiêu khê làm tốn thời gian và chi phí cho DN” - ông Thành nhận xét.
DN phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: QN
Ông Trần Bằng Việt, Ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cho rằng để phục vụ tốt DN thì cán bộ thuế, hải quan phải được nâng cao năng lực. “Có những trường hợp hỏi thủ tục, các nhân viên thuế rất thuộc điều khoản, quy định, đọc làu làu nhưng nghe cả buổi xong thì DN không hiểu và không biết được phải làm gì” - ông Việt dẫn chứng.
Tốn kém cho doanh nghiệp
Theo Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, các tiêu chí kiểm tra của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành không thống nhất, dẫn đến việc cùng một mẫu nhưng phải kiểm tra nhiều nơi, tốn kém cho DN.
Cụ thể, cùng một mặt hàng phải test nhiễm khuẩn nhưng có hai cơ quan chuyên ngành không chịu công nhận lẫn nhau, bắt DN phải kiểm tra lại. Ví dụ như kiểm tra an toàn thực phẩm thì nghiễm nhiên không có dịch bệnh nhưng vẫn bắt DN kiểm dịch riêng. Thậm chí cùng một mặt hàng thức ăn, vừa chăn nuôi gia súc được, vừa nuôi trồng thủy sản được nhưng phải xin hai giấy phép nhập khẩu mới cho nhập.
“Có những DN quanh năm suốt tháng chỉ nhập một mặt hàng và cùng từ một nhà cung cấp có uy tín, thương hiệu toàn cầu. Vậy mà lô nào cũng phải kiểm tra chuyên ngành, lãng phí, tốn kém! Do đó cần miễn hoặc giảm kiểm tra chuyên ngành đi” - hiệp hội trên nêu rõ.
Đại diện Công ty Acecook cũng cho hay công ty nhập tinh bột khoai tây là nguyên liệu sản xuất mì ăn liền. Theo quy định thì tinh bột khoai tây thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo quy định kiểm dịch thực vật thì tinh bột do Bộ NN&PTNT quản lý. Vì vậy, khi Acecook nhập hàng, phải liên hệ đến hai bộ để đăng ký kiểm dịch và đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm.
Do vậy, công ty này kiến nghị áp dụng chính sách một cửa, riêng tại TP.HCM nên thành lập một cơ quan kiểm tra tổng hợp gồm nhiều chuyên ngành, DN chỉ đến một cửa này là được.
Đặc biệt, Acecook phản ánh mỗi lô hàng mất 5-7 ngày mới có kết quả kiểm tra chuyên ngành khiến DN tốn kém tiền lưu kho bãi, chờ kiểm tra xong mới được thông quan. “Nên tin vào DN và phạt thật nặng DN nào vi phạm. Không thể vì nghi ngờ mà bắt cả cộng đồng DN phải chịu tốn kém như hiện nay” - đại diện công ty nhấn mạnh.
Trước những kiến nghị của các DN, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chỉ đạo các ban, ngành xem xét, tổng hợp vướng mắc của DN, đồng thời mời DN đến để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết trình UBND TP quyết định.
Bước vào sân chơi lớn toàn cầu Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng đội ngũ doanh nhân trẻ phải suy nghĩ về định hướng phát triển để bước vào sân chơi lớn toàn cầu như AEC, TPP... Để hỗ trợ DN, lãnh đạo TP đang tham mưu Chính phủ để thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo đến năm 2020. “TP đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và tập trung vào các ngành mũi nhọn là điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, hóa chất, chế biến lương thực thực phẩm. Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được chú trọng đặc biệt. TP cũng sẽ nỗ lực để có một quỹ phát triển công nghệ và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo” - ông Phong cho biết. Khởi nghiệp ở nước ngoài Ông Phạm Hoàng Thái Dương, người đoạt giải nhất khởi nghiệp năm 2015, Giám đốc Công ty TNHH Color Life, cho biết cứ 10 người học và khởi nghiệp thành công thì có năm bạn lập công ty ở Singapore. Do vậy TP.HCM cần phải có các giải pháp hợp lý để hỗ trợ, giữ các DN trẻ ở lại. |