Trong số đó có gần 100 trường hợp hỏi bị trả lời trễ, khoảng 10 hồ sơ khiếu nại bị trễ và 800 hồ sơ hoàn thuế bị trễ.
Với cả ngàn trường hợp trễ này, cơ quan thuế phải ra cả ngàn văn bản xin lỗi doanh nghiệp.
Vấn đề là việc xin lỗi diễn ra quá nhiều, con số trễ hạn đến cả ngàn chứ không phải lẻ tẻ vài trường hợp, lâu lâu mới có một lần. Riêng việc trễ về hoàn thuế còn ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của doanh nghiệp, khiến họ gặp khó khăn vì không có vốn để sản xuất, kinh doanh.
Lâu lâu xin lỗi một lần thì còn có giá trị chứ đến hẹn lại xin lỗi, trễ hẹn người này rồi lại trễ hẹn người khác thì càng xin lỗi lại càng mất giá trị của việc nhận lỗi!
Mặt khác, nguyên nhân gây trễ hạn có thể nói là do lỗi... hệ thống văn bản. Chính Cục Thuế TP.HCM cũng đánh giá: Nguyên nhân trả lời vướng mắc trễ là do chính sách thuế thay đổi liên tục, nghị định, thông tư hướng dẫn chưa kịp thời, gây khó khăn trong việc cập nhật, trả lời chính sách thuế. Những trường hợp phức tạp còn phải tham khảo ý kiến của các phòng chức năng hoặc có văn bản xin ý kiến của Tổng cục Thuế.
Như vậy, nếu không khắc phục được lỗi từ hệ thống, từ quy định, từ quy trình gửi-trả công văn... thì việc xin lỗi này sẽ cứ tiếp diễn nhiều và dày đặc như hiện nay. Nếu không thay đổi từ gốc vấn đề thì việc xin lỗi chỉ là một thủ tục trong vô số thủ tục mà thôi và đương nhiên là mất thời gian của người ra văn bản lẫn người nhận văn bản. Không ai có lợi gì!
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty TNHH Luật Minh Đăng Quang, cho rằng doanh nghiệp cần được giải quyết thủ tục đúng quy định. Ngành thuế xin lỗi xong thì phải tìm cách xử lý, khắc phục, giảm số trễ hẹn, bớt xin lỗi đi. Đó mới là việc làm thiết thực nhất.