“Đại gia cũng chỉ ăn nổi hai con gà, không thể ăn được một lúc 10 con” - TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói như thế khi nhận định về những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp tại Diễn đàn về phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ngày 8-9.
Hội thảo do Ban Knh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
TS Thành cho rằng: Sản xuất nông nghiệp rất rủi ro bởi chu kỳ lên xuống rất cao, độ co giãn tiêu dùng nông sản là rất thấp. Để khắc phục những rủi ro, cần phải áp dụng công nghệ để giảm chu kỳ tăng giảm nông sản, tăng độ co giãn của tiêu dùng, đồng thời phải đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp.
TS Võ Trí Thành: "Tôi buồn vì nhiều đại gia nói làm nông nghiệp chỉ là làm từ thiện". Ảnh: CHÂN LUẬN
“Bài toán này lớn hơn rất nhiều so với bài toán làm sao hấp dẫn được DN đầu tư vào nông nghiệp” - TS Thành nói và nhấn mạnh thêm: “Tôi rất buồn vì nhiều đại gia nông nghiệp nói làm nông nghiệp chỉ như làm từ thiện. Tại sao lại để nông nghiệp rơi vào tình trạng đó”.
Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng: Tăng trưởng và phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong vài thập niên qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên.
Tuy vậy, kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức tới hạn, chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%).
“Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết” - ông Bình nhận định.
Diễn đàn thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà báo và một số doanh nghiệp. Lãnh đạo nhiều tỉnh quyết tâm sẽ đưa nông nghiệp phát triển. Ảnh: CHÂN LUẬN
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khi đề cập về vấn đề nhà nước hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp cho rằng: Việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm. “Bản chất của thị trường là cạnh tranh nhưng cạnh tranh phải có quy mô, nếu quy mô nhỏ thì không cạnh tranh được”.
TS Thành nhìn một cách lạc quan hơn về không gian phát triển nông nghiệp khi ông cho biết: Thế giới một năm tiêu dùng hết 1.500 tỉ USD. Trong khi đó xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 30 tỉ USD, hàng hóa tiêu dùng 40 tỉ USD. “Như vậy, bầu trời để nông nghiệp VN khai thác còn rất rộng lớn” - TS Thành kết luận.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, năng suất thấp, đời sống thu nhập bình quân nông dân vẫn chỉ 24 triệu/năm. “Sản xuất nông nghiệp trong hội nhập còn khó khăn hơn rất nhiều. Chỉ có thể đưa kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất và kiểm soát sản xuất mới có thể đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển” - Bộ trưởng Cường nói.