“Đại gia” Phạm Ngọc Lâm: “Đầu tư 100 tàu chỉ bằng 100 căn hộ trên bờ”

“Đại gia” nói về tính hiệu quả của dự án 1.500 tỉ

Trong thời gian qua, ông Phạm Ngọc Lâm được dư luận nhắc đến nhiều với dự án đầu tư vào 100 tàu cá đánh bắt xa bờ. Đặt vấn đề nhiều ý kiến hoài nghi vị “đại gia” này đang tìm cách trục lợi nguồn vốn vay của nhà nước. Ông Lâm đã khẳng định với phóng viên PetroTimes: “Một chiếc tàu tôi đầu tư bằng 1 căn hộ chứ bao nhiêu. Trong tay tôi có mấy ngàn căn hộ thì việc đầu tư vào tàu cá cũng như xây một căn hộ chứ có gì đâu”.

Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Đức Khải.
Ông Lâm đưa ra ví dụ, đầu tư vào tàu cá cũng như xây căn hộ “dưới biển”. Nếu làm không hiệu quả mang đi bán lại cũng chỉ lỗ 20 đến 30% là cùng. Trong giới kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp lỗ vốn lên đến 50% là chuyện bình thường. Vẫn còn đó những câu hỏi về nguồn vốn để vị “đại gia” đổ vào đầu tư cho đội tàu cá 100 chiếc. Ông Lâm nói về dự án một cách cởi mở: “Đừng suy nghĩ theo hướng tiêu cực, đừng đặt câu hỏi tôi đầu tư vào đội tàu đánh cá với mục đích vụ lợi gì”.

Trong chiến lược đầu tư, muốn triển khai ngành nghề nào cũng phải trải qua một giai đoạn thử thách. Ngành khai thác kinh tế biển còn khá mới mẽ với Tập đoàn Đức Khải và cũng cần phải có từng bước để thí điểm. Ông Lâm kể lại thời kỳ gian khó khi đặt nền tảng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Khi bất động sản đóng băng, vị “đại gia” nghĩ ngay đến phân khúc thị trường dành cho người có thu nhập thấp với những căn hộ giá rẻ chất lượng cao. Nhờ sự từng trải và mạnh dạn liều lĩnh xâm nhập thị trường, các căn hộ của Tập đoàn Đức Khải tung ra thị trường nhanh chóng được người dân đón nhận.

Ông Lâm đúc kết vấn đề: “Thực sự những ngành nghề nào tôi chưa đầu tư thì mới gọi là thí điểm, chứ những lĩnh vực tôi đã đầu tư thì phải gọi là “làm thiệt, ăn liền”. Sắp tới đây tôi lại khởi công một số dự án bất động sản, và tôi tin là sẽ có hiệu quả. Vì có mang lại hiệu quả tôi mới tiếp tục đầu tư chứ biết chắc thất bại, ngu gì tôi làm”.

Đầu tư vào đội tàu đánh cá 100 chiếc, ông Lâm đã trở thành người đi tiên phong, đột phá về ý tưởng chuẩn hóa tàu thuyền và ngư cụ ra biển khơi. Cá tính của vị “đại gia” này luôn có một sự khác biệt. Ông Lâm chỉ làm những việc chưa ai dám làm để không mang tính “bầy đàn” và phong trào. Trong kinh doanh, Phạm Ngọc Lâm luôn cho rằng: “Tôi không bỏ tiền ra để đầu tư theo kiểu… bắt chước”.

Trong quá trình đầu tư vào đội tàu đánh cá, ông Lâm đánh giá các yếu tố rủi ro có thể xảy ra. Thứ nhất, nếu bị Trung Quốc quấy rầy quá, đoàn tàu cá sẽ di chuyển đến vùng đánh bắt an toàn hơn để tránh được những rủi ro. Thứ hai, nếu hiệu quả đánh bắt không được như mong muốn, sản lượng thấp vị “đại gia” này sẽ nghĩ đến chuyện thanh lý tài sản để cắt lỗ. Ông Lâm không hề muốn điều này xảy ra và hoàn toàn tin tưởng về sản lượng kinh tế biển của Việt Nam.

“Thông tin cho rằng sử dụng nguồn vốn cho vay để đầu tư vào lĩnh vực khác là hoàn toàn không có căn cứ”

Trở lại vấn đề vay vốn nhà nước nhưng kinh doanh không hiệu quả và phải bán đội tàu, ông Lâm nói ngay: “Tàu đã thanh lý thì tiền cũng phải trả lại cho ngân hàng và bản thân tôi đâu còn được hưởng nguồn vốn ưu đãi. Nếu tôi có 100 chiếc, bán đi 30 chiếc thì ngân hàng cũng sẽ thu hồi vốn 30 chiếc tàu đã bán chứ đâu còn được sử dụng vốn vay đó”. Hiện nay, ngư dân được vay vốn mua tàu và được chính phủ hỗ trợ 90% vốn, cầm cố bằng chính con tàu đó. Khi dự án được duyệt, Tập đoàn Đức Khải cũng đi vay vốn mua tàu và cầm cố con tàu đó với tỉ lệ 70%.

Nếu xảy ra tổn thất, ngân hàng còn có thể thu hồi vốn từ Tập đoàn Đức Khải để bảo toàn nguồn vốn cho vay. Ông Lâm đánh giá: “Tôi vẫn còn nhiều cái để mất chứ không đơn giải là đội tàu 100 chiếc. Đầu tư vào đội tàu còn liên quan đến danh dự của cá nhân, ảnh hưởng đến thương hiệu của Tập đoàn Đức Khải và tác động đến các dự án bất động sản tôi đang triển khai trên bờ”.

“Sự nghi ngờ của dư luận về việc Đức Khải sử dụng vốn vay cho mục đích đầu tư khác là hoàn toàn không có căn cứ. Hãy nhớ rằng, cá nhân tôi và Tập đoàn Đức không phải vì đội tàu 100 cái mà bán rẻ tất cả”, ông Lâm tái khẳng định.

Cơ sở để ông Lâm tin tưởng vào lĩnh vực kinh tế biển khá rõ ràng. Các chuyên gia quốc tế từng khuyên Việt Nam nên chú trọng đánh bắt khai thác thủy hải sản để xuất khẩu thay cho việc nuôi. Thứ nhất, biển Việt Nam chưa bị ô nhiễm, vẫn còn sạch và an toàn hơn các vùng biển khác. Ngoài ra, việc nuôi thủy sản vẫn còn bị một số hạn chế trong xuất khẩu. Nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn do bị kiểm dịch, bị áp thuế chống bán phá giá…

Chiến lược của vị “đại gia” trong quá trình cung cấp thủy sản trên thương trường quốc tế được vạch ra tỉ mỉ. Cá khai thác được bán theo giá thị trường, giá công khai, giá quốc tế. Nếu thành công trong việc đưa 100 tàu cá ra khơi, ông Lâm tin mô hình đầu tư của Tập đoàn Đức Khải sẽ được nhiều ngư dân… học theo. Vị “đại gia” ấp ủ trong giai đoạn 2 của đề án, sẽ cung cấp dịch vụ cho người dân ngoài khơi theo hình thức góp vốn.

Các chủ tàu ở ngoài khơi hoạt động đơn lẻ đều có thể trở thành thành viên của nghiệp đoàn cá Đức Khải và hưởng các dịch vụ từ ụ nổi trên biển. Ngư dân đánh bắt thủy sản sẽ được chia lợi nhuận theo tỉ lệ ở thời điểm giá thị trường. Một ví dụ đơn giản, xe taxi đơn lẻ nếu gia nhập, mang thương hiệu của một hãng sẽ được dịch vụ hậu cần hỗ trợ.

Ông Lâm nhấn mạnh: “Nếu khách hàng muốn đi taxi chỉ cần gọi điện thoại đến tổng đài bất kỳ của hãng taxi để gọi xe. Lúc này, tổng đài của hãng xe sẽ gọi lại cho tài xế thuộc nghiệp đoàn của mình”. Ngư dân tham gia đội tàu của Đức Khải hoàn toàn được sử dụng các dịch vụ tiếp xăng, thu mua cá và nhận sự hỗ trợ từ các phương tiện rà luồng cá trên biển. Ý tưởng này được ông Lâm triển khai trong giai đoạn 2 của đề án.

Phạm Ngọc Lâm xác nhận: “Nếu không có gì trở ngại, trong tháng 8 tới sẽ hoàn tất hợp đồng và đưa 12 chiếc tàu đầu tiên về đến Việt Nam để chạy thử. Giai đoạn 1 của đề án sẽ bắt đầu được triển khai”.

Theo Đỗ Hưng/Petrotimes

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới