Con tàu mang nhiều thiết bị hiện đại, có thể chịu được sóng gió và sự hiểm nguy rình rập giữa trùng khơi đã phần nào giúp ngư dân vững vàng, yên tâm vươn khơi. Đó cũng là ước mơ của hàng vạn ngư dân miền Trung đang ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bán tàu gỗ để đóng tàu sắt
Sau khi tàu được hạ thủy tại Cam Ranh (Khánh Hòa), anh Phan Bé - thuyền trưởng (kiêm chủ tàu) cùng các thuyền viên đã có chuyến chạy thử trên biển về neo đậu tại sông Hàn (TP Đà Nẵng). Chuyến hải trình kéo dài gần hai ngày trên biển đã giúp các ngư dân làm quen với “chiến mã” mới của mình.
Sinh ra trong gia đình có chín anh em thì cả chín người đều theo nghiệp biển. Hơn 20 đi biển, anh Bé hiểu nỗi nhọc nhằn, nguy hiểm của những ngư dân trên những con tàu vỏ gỗ. Anh kể năm 2012, cậu em ruột Phan Em điều khiển tàu vỏ gỗ vào khu vực Cửa Gianh (Quảng Bình) để trú bão. Khi quay tàu trở ra, do bị sức cuốn của dòng nước từ thượng nguồn tuồn về, tàu bị nhấn chìm. Toàn bộ gia sản trôi theo con nước, may mắn các thuyền viên trên tàu được một tàu biên phòng đậu gần đó ứng cứu kịp thời. Trước đó, năm 2009, một chiếc tàu khác trong gia đình anh Bé cũng bị chìm tại cửa vịnh Đà Nẵng do ảnh hưởng có gió mùa Đông Bắc. “Tàu gỗ nhỏ, công suất yếu, không đủ khả năng đối chọi với các đợt sóng lớn. Mỗi lần biển động là anh em trên tàu lo sốt vó, phải chạy hết công suất về bờ để trú ẩn. Trong cơn bão Chan Chu năm 2006, nhiều tàu “chậm chân” nên bị biển cả nhấn chìm” - anh nói.
Con tàu vững chãi như tiếp thêm sức mạnh cho thuyền trưởng Phan Bé vươn ra khơi xa. Ảnh: TT
Từng là thuyền trưởng của hai con tàu gỗ thuộc diện lớn nhất nhì miền Trung thời ấy là tàu QNg 94079 và QNg 94088. Sau một thời gian xông pha giữa sóng biển, anh quyết định bán hai chiếc tàu này để cùng em rể là Lê Văn Sang (thuyền trưởng tàu hậu cần ĐNa 90444 TS) góp vốn đóng chiếc tàu vỏ thép. Con tàu có trị giá hơn 11 tỉ đồng, trong đó gia đình anh Bé góp 4 tỉ đồng, số còn lại do Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam ứng vốn theo chương trình “Thí điểm tàu vỏ thép cho ngư dân” của Chính phủ.
Đánh giá về con tàu, thợ máy Tống Tương (quê Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết: “Tàu mới chạy thử trong điều kiện thời tiết bình thường, chưa gặp sóng lớn nên chưa có những đánh giá toàn diện và chính xác. Phải đối mặt với sóng cấp 6 - cấp 7 mới biết được chất lượng thực của tàu”. Anh Tương nói thêm, bộ phận máy tàu vỏ thép hiện đại và phức tạp hơn nhiều so với tàu gỗ. Thợ máy phải học điều khiển, sửa chữa căn bản gần hai tháng mới hoàn thiện các kỹ năng. “Nếu tốc độ và công suất máy như nhau thì tàu thép lợi nhiên liệu hơn khoảng 20%. Ngoài ra có thể rút ngắn thời gian đánh bắt. Bánh lái tàu vỏ thép cũng ổn định và dễ điều khiển hơn. Còn bánh lái tàu gỗ lúc ăn, lúc không nên rất nguy hiểm” - anh Bé nhận xét.
Sẵn sàng chinh phục Hoàng Sa - Trường Sa
Ngay khi con tàu về đến Đà Nẵng, anh Bé đã “chiêu mộ” các ngư dân lão luyện, từng chinh phục sóng nước Hoàng Sa - Trường Sa suốt nhiều năm qua vào danh sách thuyền viên của “chiến mã” Sang Fish 01. Ngư dân Trần Văn Đồi (quê Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) chia sẻ gần 15 năm đi biển trên những con tàu vỏ gỗ, chịu nhiều trận bão dữ, đối mặt với chuyện sinh tử trong gang tấc. Giờ chuyển sang tàu vỏ thép hiện đại hơn cũng cảm thấy yên tâm và phấn khích. “Có tàu thép, ngư dân sẽ vững vàng hơn để vươn ra các ngư trường xa. Con tàu này có thể chịu đựng được sóng cấp 9 - cấp 10 nên cũng vơi đi nỗi lo bị bão lớn nhấn chìm” - ông Đồi nói.
Còn với thuyền trưởng Bé, con tàu vỏ thép như tiếp thêm sức mạnh cho anh tung hoành, chinh phục biển lớn. “Ngày trước đi tàu gỗ thường xuyên bị các tàu hải cảnh, ngư chính của Trung Quốc vây ép, tấn công. Khi ra quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, cứ hễ gặp tàu ngư dân ta đang đánh bắt là họ cản trở, đe dọa. Nhiều lần họ cố tình thả trôi tàu trước mũi để ngăn cản, xua đuổi”. Anh Bé kể tiếp, hồi giữa năm 2013, tàu của anh bị một tàu hải giám Trung Quốc tấn công, đâm hỏng phần mũi. “Nếu tàu sắt này bị các tàu Trung Quốc tấn công, đâm va cũng không chìm như trường hợp tàu vỏ gỗ ĐNa 90152 của bà Hoa. Nặng lắm cũng chỉ bị móp méo. Với tốc độ di chuyển nhanh, tàu có thể tránh được sự truy đuổi của các tàu Trung Quốc” - anh Bé tự hào nói.
Anh Lê Văn Sang (chủ tàu) cho biết dự kiến đến ngày 20-7 tới, tàu sẽ khởi hành chuyến biển đầu tiên. Ngoài làm dịch vụ hậu cần thu mua hải sản, tàu Sang Fish 01 còn tổ chức đánh bắt ở hai ngư trường chính là Hoàng Sa và Trường Sa. “Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để ra khơi đánh bắt. Anh em trên tàu đều nóng lòng muốn ra biển thử sức trên con tàu lớn, hiện đại” - ông Đồi nói.
TẤN TÀI
Tàu Sang Fish 01 dài hơn 25 m, rộng hơn 7,8 m, chiều cao mạn 3,6 m, lượng choán nước hơn 180 tấn. Tàu có công suất trên 750 CV, được trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại như máy dò cá với tầm quét 3.000 m, hệ thống radar, máy định vị GPS, phao vô tuyến chỉ báo sự cố, thiết bị cứu hỏa… Với sáu khoang lạnh, tàu có thể bảo quản được 200 tấn hải sản trong vòng 45 ngày. |