Đại học mắc kẹt giữa... cơ chế và phát triển

Thực tế diễn biến nền giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đang được Quốc hội cũng như mọi người rất quan tâm. Đó là những vấn đề như thành lập các trường ĐH như thế nào, đầu tư cho GDĐH xã hội hóa đến đâu, có xu hướng thương mại hay không, quản trị tài chính như thế nào... Tất cả được bàn đến tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với GDĐH” do Văn phòng Quốc hội tổ chức trong hai ngày 22 và 23-12, có sự tham dự của gần 80 cán bộ các ngành, các chuyên gia nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước và đại biểu Quốc hội.

Tốc độ cải cách giáo dục quá chậm

Theo PGS-TS Phạm Xuân Hậu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), thời gian qua một số nhà giáo dục, khoa học trăn trở nhiều vấn đề bất cập của GDĐH. Điều cốt yếu của chúng ta là phải xác định GDĐH được xác định như thế nào, vị trí nó ở đâu; tương lai nó ở đâu và khi nào thì đạt tới đỉnh cao. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những con người là lãnh đạo, nhà khoa học, tài năng trẻ...

PGS-TS Phạm Xuân Hậu cho rằng muốn tiềm năng trở thành động lực phát triển thì chúng ta phải có được chính sách đầu tư phát triển phù hợp với từng giai đoạn, bối cảnh cụ thể, cũng như chính sách sử dụng nhân tài và chiến lược phát triển giáo dục.

GS Phạm Phụ nói về thực trạng giáo dục đại học hiện hết sức nan giải.

Cùng phân tích về chính sách và cơ chế quản lý GDĐH, PGS-TS Lê Quang Minh - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng tốc độ cải cách GDĐH quá chậm so với thực tế. Cơ chế chính sách tầm vĩ mô càng chậm thay đổi hơn trong khi kinh tế lao nhanh về phía trước, vì vậy GDĐH đang mắc kẹt chính giữa hai vần đề này.

Cần nguyên lý mới, chính sách mới

PGS-TS Lê Quang Minh đánh giá hiện nay chúng ta gặp khó khăn là sinh viên đào tạo ra thiếu kỹ năng, chương trình đào tạo không phù hợp với thực tế, 70% môn học của các trường đều sao chép giống nhau. Mô hình giáo dục theo thị trường nhà nước trong khi thị trường tư nhân đang rất cần thiết phát triển... Những nhà giáo dục chưa nghĩ đến vấn đề này.

Đến với hội thảo, GS Phạm Phụ đưa ra bảy bài toán về thực trạng GDĐH Việt Nam mà theo GS là hết sức nan giải và đan xen lẫn nhau. Một trong những vấn đề nan giải đó là GDĐH đang cần được đa dạng hóa, trong đó ĐH Việt Nam đặt vào bối cảnh chung của ĐH trên thế giới trong cuộc cạnh tranh về quy mô và chất lượng đào tạo.

ĐH đang chia ra nhiều cấp học phí cho từng đối tượng học khác nhau. GDĐH cũng cần được đảm bảo tài chính cùng mặt bằng giá cả với các nước để đủ sức cạnh tranh. Phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Quản trị và tự chủ ĐH và vấn đề công bằng trong GDĐH... Để giải quyết hết đồng bộ những bài toán nan giải trên, GS Phạm Phụ nói: “Cần phải có những nguyên lý mới, chính sách mới về mục tiêu giáo dục, đa dạng hóa ĐH theo cơ cấu dân số, tạo ra dịch vụ GDĐH...”.

Mặt khác, trong khi pháp luật các nước rất dễ hiểu và dễ thực hiện thì hệ thống pháp luật trong nước còn nhiều rối rắm, nhiều khẩu hiệu. PGS-TS Lê Quang Minh lấy ví dụ: Luật Giáo dục quy định hiệu trưởng có quyền tự chủ nhưng các quy định về tài chính kiểm toán thì lại lấy mất quyền này. Nhìn qua nhìn lại hiệu trưởng không còn quyền gì cả. Vì vậy, PGS-TS Minh đề nghị: “Luật GDĐH sẽ thực hiện trong thời gian tới cần phải có ít nhất một chương quy định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vấn đề này rất quan trọng, là động lực chính phát triển GDĐH”.

Đầu tư nghiên cứu khoa học còn dàn trải

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm bàn luận là thực trạng yếu kém trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hiện nay. Theo PGS-TS Tạ Đức Thịnh (Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ, Bộ GD&ĐT), nghiên cứu về khoa học giáo dục vẫn chưa theo kịp sự phát triển của ngành, tỉ lệ đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội còn thấp. Tỉ lệ giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia nghiên cứu khoa học chưa cao...

“Nguyên nhân là do đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH, CĐ còn dàn trải, chưa tương xứng với tiềm lực của các trường, mới chiếm một tỉ trọng nhỏ trong tổng đầu tư ngân sách của nhà nước cho khoa học công nghệ. Chưa tạo lập được thị trường công nghệ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ...” - ông Thịnh nhận định.

Bất cập cao đẳng

“Tại sao lại có hai hệ thống CĐ nghề và CĐ thường? Tôi đề nghị đừng vì có những cách nói khác mà làm cho hệ thống giáo dục của chúng ta... lạ lùng!” - GS Trần Hồng Quân đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, TS Trần Thị Hà (Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT) xác nhận đúng là có hai hệ thống CĐ nghề và CĐ thường. CĐ nghề chịu sự chi phối của Bộ LĐ-TB&XH, còn CĐ thường thuộc Bộ GD&ĐT.

“Có những ngành đào tạo như kế toán, mỏ địa chất thì hai hệ thống trường CĐ trên dạy chương trình như nhau. Họ không biết nếu không đậu CĐ thường thì vào CĐ nghề họ được hưởng quyền lợi gì” - TS Hà chia sẻ.

Ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết vấn đề này đã được đưa ra trong báo cáo thẩm tra kỳ họp Quốc hội vừa rồi nhưng không được chấp nhận, có lẽ phải chờ thời gian tới...

THÙY DUNG - TRIỆU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới