Đại hội XIII: Mở rộng không gian đổi mới để Việt Nam vượt lên

Hôm nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bắt đầu diễn ra. Sự kiện chính trị quan trọng này sẽ đánh dấu một cột mốc thay đổi lớn trong tiến trình đưa đất nước phát triển. 
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên thường trực Tổ biên tập Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 (sau đây gọi là Chiến lược 2021 - 2030), nói: “Văn kiện của Đại hội XIII xác định lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”.
Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng lên đáng kể
. Phóng viên: Thưa ông, quan sát quá trình 10 năm qua, ông nhìn nhận thế nào về việc cải cách và nâng cao chất lượng thể chế?
Đại hội XIII: Mở rộng không gian đổi mới để Việt Nam vượt lên ảnh 1
 

+ TS Nguyễn Đình Cung: Chúng ta đã xác định cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Trong 10 năm qua, nhất là thời kỳ 2015-2020, Chính phủ đã thực hiện khá tốt trọng tâm đột phá nói trên; nhờ đó nền kinh tế đã duy trì tăng trưởng, gia tăng được sức chống chịu, vượt qua năm 2020 với sự tác động khủng khiếp của dịch COVID-19 một cách thành công ngoài mong đợi. Đại hội XIII đã đề cao hơn tầm quan trọng của thể chế kinh tế và đã thay đổi trọng tâm của cải cách thể chế.

. Riêng về vấn đề thể chế kinh tế, quá trình cải cách đã diễn ra như thế nào?
+ Nếu nói về thể chế kinh tế, nhất là pháp luật về kinh doanh thì cải cách được bắt đầu ngay từ ngày đầu của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi (từ năm 1986 đến khoảng 2000), thị trường ở nước ta còn sơ khai; yêu cầu cải cách thể chế kinh tế nhìn chung không phức tạp. Lúc đó chỉ cần thừa nhận, mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh thì đã là… cải cách vượt bậc, mở ra cơ hội cho các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân phát triển.
Tuy vậy, thực tế phát triển giai đoạn 2009-2010 cho thấy cải cách thể chế như vậy là chưa đủ; và do đó Đại hội XII đã xác định cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược; và trọng tâm của nó là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện thực hóa chủ trương nói trên, Chính phủ đã đi một bước xa hơn là thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt. Do đó, các tiêu chuẩn của WB, WEF và một số xếp hạng toàn cầu khác đã được áp dụng. Tuy vậy, cũng có quan điểm là ta phải xây dựng tiêu chuẩn riêng của ta. Thế là ta trễ mất mấy năm.
. Vậy đến khi nào thì chúng ta bắt đầu một cách dứt khoát là phải lấy chuẩn quốc tế để đi theo con đường mà cả thế giới đang đi, ít nhất là trong kinh doanh?
+ Đó là thời điểm 2013-2014, đó là lúc Nghị quyết 19/2014 đầu tiên được ban hành và thực thi. Các tiêu chuẩn, tinh thần “tạo thuận lợi nhất cho kinh doanh” của Doing Business mà World Bank đã thể hiện trong cả tư duy và nội dung của nghị quyết. Áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế là thay đổi có tính đột phá, vì nó định vị được Việt nam trên bản đồ phát triển của thế giới và tạo một sức ép buộc chúng ta phải “tiến cùng thời đại”. Nếu không cải thiện được vị thế của chúng ta trong khu vực và thế giới thì có thể nói đó là một sự “xấu hổ”. Ta ở vị trí nào thì cứ nhìn vào các bảng xếp hạng toàn cầu là biết; và chính đó là thông điệp quốc gia thay đổi. Nếu chúng ta luôn đứng ở nhóm có tốc độ cải cách và phát triển “loại nhất thế giới” thì chắc chắn nước ta sẽ thu hẹp, tiến kịp và sẽ sớm đứng vào nhóm các quốc gia phát triển.
Đến bây giờ, sau bảy năm duy trì tinh thần của Nghị quyết 19 (sau này là Nghị quyết 02của chính phủ), chúng ta đã có những kết quả đáng khích lệ để tiếp tục thay đổi. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định vững chắc, đầu tư tư nhân tăng, khu vực FDI ổn định, hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cải thiện và vị trí xếp hạng của Việt nam trên tất cả xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh đã cải thiện, thậm chí có lĩnh vực chúng ta đã tăng nhiều chục bậc.
Tạo không gian phát triển mới, đón “đại bàng” làm tổ
. Đọc chiến lược 2021-2030, tôi thấy Đại hội XIII lần này đặt ra vấn đề tăng trưởng theo chiều sâu và dùng thị trường như là một cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực rất mạnh.
+ Điều đó là dễ hiểu, vì trước đây khi mở thị trường thì Việt Nam lúc đó đang tăng trưởng theo chiều rộng, tức là còn nhiều dư địa gia tăng số lượng lao động, số lượng vốn và khai thác tài nguyên để tăng trưởng. Cứ mở thị tường ra thì quy mô nền kinh tế gia tăng thêm. Nhưng hiện nay, nguồn lực và dư địa đã bắt đầu có dấu hiệu “tận khai” thì văn kiện phải nhấn mạnh đến hiệu quả sử dụng nguồn lực và khoa học công nghệ. Mà nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thì chỉ có thị trường mới làm được. Không ai làm tốt hơn thị trường cả.

Khi doanh nghiệp, người dân càng tin tưởng, càng đầu tư lớn, đầu tư sâu thì càng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực phát triển của đất nước. Trong ảnh: Nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trên cơ sở mở rộng thị trường như vậy thì đồng thời là đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục và cùng với cạnh tranh thị trường buộc người ta phải đổi mới sáng tạo. Làm như vậy, chúng ta vừa đạt được tăng trưởng cao, liên tục gia tăng quy mô và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ như vậy mới vượt được bẫy thu nhập trung bình, khắc phục được sự khan hiếm về nguồn lực như văn kiện chỉ ra.
. Trong chiến lược 2021-2030 trình Đại hội XIII lần này cũng đề cập đến những “hạn chế, yếu kém” của thể chế mà căn bản nhất vẫn là chưa thay đổi đúng với tiềm năng, cơ chế phân bổ nguồn lực cũng chưa thay đổi căn cơ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
+ Điểm yếu cốt tử của nền kinh tế hiện nay là hiệu quả sử dụng nguồn lực quá thấp; và thể chế phân bố nguồn lực theo hành chính xin cho chính là nút thắt phải gỡ để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Nếu cứ như vậy thì không nâng cao được hiệu quả sử dụng nguồn lực, không tạo áp lực và dư địa cho áp dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ta hãy lấy Đông Nam bộ làm ví dụ. Ở đó hiện có các KCN, KCX lớn nhất cả nước. Nhưng hiện nay tính hiện đại của nó ra sao; có tiếp tục duy trì được năng lực cạnh tranh hay không? Có tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu trong tương lai được nữa không? Khó! Vậy thì phải thay đổi để cho những “dòng” công nghiệp mới hiện đại hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn thay thế cho các ngành công nghiệp hiện nay ở khu vực này. Nhưng vấn đề lại là không gian cho thay đổi ở đâu? Bình Dương, Đồng Nai hay Vũng Tàu có còn dư địa để đón thay đổi đó hay không? Nếu không thay đổi thì những nơi này có… đón được “đại bàng” vào làm tổ không?
Như vậy, một trong các yêu cầu tiên quyết là phải chuyển đổi hoặc tái cơ cấu các KCN, KCX này và chỉ có thị trường nhân tố sản xuất mới làm được điều đó. 
Thiết kế niềm tin cho người dân, doanh nghiệp 
. Ông kỳ vọng gì vào Đại hội XIII, vào những định hướng chiến lược mà Đảng đã xác định?
+ Tôi nghĩ nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều khó khăn. Bởi thế giới vẫn đang đối phó với dịch bệnh COVID-19 và nhiều biến động khác. Còn trong nước, như văn kiện Đại hội XIII nhận định, bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn “lơ lửng”, động lực tăng trưởng không còn như trước, đặt ra yêu cầu đổi mới về thể chế, một nhiệm vụ rất khó khăn. 
Cũng chính vì vậy, chiến lược 2021-2030 của Đảng đã xác định quan điểm “lấy cải cách nâng cao chất lượng thể chế làm điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước”. Trọng tâm của nó phát triển các thị trường nhân tố sản xuất và thực hiện phân bố nguồn lực nhà nước theo thị trường…
Cùng đó là phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn trên cơ sở thay đổi vai trò, công cụ quản lý, chức năng và năng lực của Nhà nước. Chúng ta có hy vọng để tin rằng: Nếu thực hiện tốt những gì Đại hội XIII đề ra, nhất là trong chiến lược 2021-2030 thì doanh nghiệp, người dân sẽ càng đầu tư nhiều hơn, lớn hơn, dài hạn hơn, trong đó có đầu tư vào khoa học công nghệ.
Khi doanh nghiệp, người dân càng tin tưởng, càng đầu tư lớn, đầu tư sâu thì đất nước càng có điều kiện để áp dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực. Kết quả là khi đó, doanh nghiệp Việt Nam, người dân Việt Nam mới đủ lớn, đủ sức tận dụng các lợi thế mà đất nước trong nhiều nhiệm kỳ qua đã nỗ lực đạt được. Nền kinh tế của một quốc gia chỉ có thể lớn mạnh nếu Nhà nước tạo điều kiện và tôn trọng quyền tự do kinh doanh, liên tục củng cố, gia cố và bảo vệ an toàn kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để các chủ thể này lớn mạnh, vững vàng, trở thành rường cột.
Vì suy cho cùng, Đảng đã xác định: Người dân chính là chủ thể của đất nước này.
. Xin cám ơn ông.•

Phải đưa Việt Nam thành quốc gia hùng mạnh
. Theo ông, nếu 63 tỉnh, thành đều thay đổi, chuyển đổi, đều áp dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì sao?

 + Không, chúng ta không thể ép miền núi phía Bắc hay dải đất miền Trung phải chuyển đổi ngay sang tăng trưởng theo chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ  đại trà được. Chỉ có một số vùng mà trước hết là miền Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Hồng. Khi hai khu vực này phát triển rồi thì khi đó thành quả phát triển sẽ tự động lan tỏa, kéo các vùng khác theo. Và như vậy, yêu cầu đặt ra là chúng ta phải thay đổi vùng động lực. Nơi nào có tiềm lực và thực sự có thể là vùng động lực thì nguồn lực phát triển phải phân bố vào đó nhiều hơn và sử dụng hiệu quả hơn. 
. Tôi hiểu, nếu như vậy thì chúng ta phải thay đổi cả triết lý phát triển đất nước… 

 + Đương nhiên nếu xác định như vậy thì triết lý phát triển phải thay đổi. Thách thức lớn nhất cho nhiệm kỳ tới là phải chọn lựa giữa hiệu quả và cào bằng. Chúng ta chọn lựa như thế nào? Theo tôi, phải lấy hiệu quả sử dụng nguồn lực làm ưu tiên hàng đầu. Sau đó, lấy chính hiệu quả sử dụng nguồn lực đó sẽ tạo thêm nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội. 
Điều hành chính sách tới đây phải chọn lựa điều đó. Bởi Đảng và Nhà nước luôn xác định rõ ràng rằng, “dân giàu nước mạnh”; một quốc gia mạnh, hùng cường mới bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ. Nếu đất nước không giàu mạnh thì cả quốc gia gặp khó chứ không chỉ vùng miền nào.


 Ông PHÙNG CÔNG DŨNG, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM:
Đại hội XIII: Mở rộng không gian đổi mới để Việt Nam vượt lên ảnh 3
 

Mong chọn được những cán bộ trong sạch để lãnh đạo đất nước

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác người Việt Nam (VN) ở nước ngoài. Điều này được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết 36/2004 và Chỉ thị 45/2015 của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài. Trong đó khẳng định: “Người VN ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc VN”. Và chúng tôi, những người làm công tác kiều bào rất thấm nhuần tư tưởng này.

Trong quá trình làm việc, kết nối và gắn kết với kiều bào, chúng tôi thấy rất rõ tinh thần của kiều bào, rằng dù họ xuất phát từ đâu, đi nước nào thì lúc nào họ cũng hướng về Tổ quốc, mong muốn được đóng góp để xây dựng đất nước nói chung cũng như TP nói riêng.

Chúng tôi cũng nhận thấy bà con kiều bào khi có điều kiện đều sẵn sàng về nước đầu tư. Vì vậy, bà con cũng đề nghị các chính sách, quyết sách cũng như sự quan tâm của Đảng đối với người VN ở nước ngoài cần thông thoáng hơn.

Thực tế trong những năm qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ kiều bào đã được luật hóa và được thực hiện tương đối tốt. Tại TP.HCM, chúng tôi thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với kiều bào để tháo gỡ vướng mắc cũng như để giải thích luật pháp. Ủy ban Về người VN ở nước ngoài cũng là cầu nối giữa kiều bào với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết khó khăn của kiều bào, không để họ bị thiệt thòi.

Việc Đảng tổ chức lấy ý kiến đóng góp của kiều bào cho Đại hội XIII cũng thể hiện sự dân chủ, thái độ trọng thị đối với kiều bào. Tôi tin rằng khi họ được trân trọng thì họ sẽ đặt cả tâm trí để nói những điều tâm huyết, hình thành những sáng kiến, hiến kế thiết thực và hy vọng những sáng kiến đó sẽ đi vào thực tiễn. Tôi mong rằng việc này sẽ được phát huy trong thời gian tới.

Khi gửi ý kiến đóng góp cho Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhiều kiều bào cho biết họ bị chi phối bởi một số thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng trong nước. 

Tuy nhiên, sau khi nghe những thông tin chính thức từ Ủy ban Về người VN ở nước ngoài, họ 

đã hiểu rõ quan điểm và thể hiện niềm tin trong đấu tranh với tham nhũng của Đảng và Nhà  nước ta. Kiều bào tin rằng Đại hội XIII của  Đảng sẽ chọn được một đội ngũ cán bộ trong  sạch để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

Ông NGUYỄN THANH TÒNG, kiều bào Pháp:

Đại hội XIII: Mở rộng không gian đổi mới để Việt Nam vượt lên ảnh 4
 

Tin tưởng công cuộc chống tham nhũng sẽ thành công

Qua theo dõi thông tin chính thức, chúng tôi được biết thời gian qua Đảng và Nhà nước đang quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tham nhũng. Nhiều quan chức tham nhũng đã được đưa ra xét xử, trong đó có cả cán bộ cao cấp về hưu hay đương chức. Điều này cho thấy việc đấu tranh chống tham nhũng đã có kết quả, sai đến đâu xử đến đó.

Tất nhiên, chống tham nhũng không phải là một ngày một bữa mà phải luôn luôn đốt để lò cháy lên nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân và kiều bào. Muốn thế, tất cả cơ quan thuộc Đảng, Nhà nước và quần chúng đều vào cuộc, khó có ai có thể đứng ở ngoài.

Theo tôi, Đảng cần tiếp tục xác định quyết tâm trong phòng, chống tham nhũng dù biết rằng đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Muốn trị tham nhũng phải có nền kinh tế bền vững, tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân nhận thức được thế nào là cần, kiệm, liêm, chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng đó là phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ không chân chính, cán bộ cao cấp phải trong sạch thì xã hội mới noi theo.

Dù ở nước ngoài, chúng tôi vẫn một lòng hướng về Tổ quốc và tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
LÊ THOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm