Đại lễ Phật đản làm tăng uy thế của Việt Nam

Ngày mai (14-5), Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak) sẽ chính thức được tổ chức tại nước ta. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện trọng đại của Phật giáo. Bên lề kỳ họp Quốc hội, phóng viên Pháp Luật TP. HCM đã có cuộc trao đổi với hòa thượng Thích Thanh Tứ, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xung quanh sự kiện trọng đại này.

Được Liên Hiệp Quốc lựa chọn

. Thưa hòa thượng, vì sao lần này Việt Nam được chọn để tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc?

Hòa thượng Thích Thanh Tứ+ Đây là một sự kiện rất vinh dự cho Phật giáo nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Lễ Phật đản này do Liên Hiệp Quốc xướng xuất và tổ chức, đã có nhiều nước tổ chức và năm nay Liên Hiệp Quốc chọn Việt Nam. Đây không phải là một chuyện tự nhiên mà đó là ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta đã gia nhập WTO, tổ chức thành công Hội nghị APEC, trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an... Tất cả những sự kiện đó làm cho uy thế của Việt Nam được tăng cường, ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của Phật giáo nước ta. Lâu nay Phật giáo nước ta đã hòa nhập và có những đóng góp quan trọng với Phật giáo quốc tế. Đây là một sự kiện chứng tỏ điều đó và cũng là dịp để chúng ta nâng cao uy thế của mình.

. Chủ đề Đại lễ Phật đản năm nay là Phật giáo với việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được xuất phát từ đâu, thưa hòa thượng?

+ Khi Liên Hiệp Quốc yêu cầu Phật giáo nước ta đăng cai tổ chức sự kiện này, chúng tôi đã có đề nghị với Chính phủ và được chấp thuận. Chủ đề này được thế giới đồng tình và nó là mục đích không của riêng nước nào.

Hơn 70 nước tham dự

. Chúng ta được những gì sau khi tổ chức sự kiện này, thưa hòa thượng?

+ Cái được lớn nhất là thế giới thêm hiểu hơn về Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam và uy thế của chúng ta được nâng cao.

. Có nhiều đoàn Phật giáo đến từ các nước khác nhau cùng tham dự Đại lễ Phật đản năm nay. Có thông điệp nào của họ làm chúng ta khó xử không, thưa hòa thượng?

+ Chúng tôi dự kiến mời hơn 80 nước, kết quả có hơn 70 nước nhận lời tham dự. Trong khi mời, chúng tôi hướng đến những đoàn tham dự có thiện chí với mình, có thiện chí xây dựng Phật giáo thế giới hòa bình và phát triển tốt đẹp. Còn có bộ phận nào đó chưa nhất trí thì cũng cân nhắc.

. Thưa hòa thượng, lần này có một số đoàn Phật giáo là người gốc Việt về tham dự đại lễ. Chúng ta có coi họ là một bộ phận của Phật giáo Việt Nam không?

+ Họ ở nước ngoài và là công dân của nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi trân trọng mời và mong họ về nước để thấy được sự phát triển của Phật giáo nói riêng và của đất nước ta nói chung để cùng đóng góp cho tổ quốc.

. Xin cảm ơn hòa thượng!

Đại lễ Phật đản là dịp phát huy truyền thống Phật giáo Huế

(PL)- Tuần lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Huế chính thức bắt đầu lúc 14 giờ chiều 12-5 tại Tổ đình chùa Từ Đàm với lễ khai kinh cúng dường ngày đản sanh đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Lễ khai sinh cầu nguyện tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình và chúng sinh an lạc. Buổi tối là lễ thắp sáng bảy hoa sen nổi trên sông Hương, đoạn từ cầu Phú Xuân - Bạch Hổ. Từ ngày 12 đến 17-5 sẽ diễn ra các hoạt động chào mừng như lễ rước Phật, diễu hành 70 xe hoa vào hai đêm 17 và 19-5 trên các tuyến đường hai bên bờ sông Hương. Trong tuần lễ Phật đản sẽ liên tiếp diễn ra các buổi thuyết giảng của các hòa thượng, học giả về đề tài ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tâm linh.

NGUYÊN LINH

LÊ KIÊN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm