Đãi ngộ nghệ nhân, thêm nhiều không gian biểu diễn cho đờn ca tài tử Nam bộ

(PLO)- Để  đờn ca tài tử Nam bộ được bảo tồn và phát triển bền vững, cần có cơ chế quản lý phù hợp, có chính sách đãi ngộ nghệ nhân và tạo dựng thêm nhiều không gian biểu diễn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM đã diễn ra hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn TP.HCM". Hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đãi ngộ nghệ nhân, thêm nhiều không gian biểu diễn cho đờn ca tài tử Nam bộ
Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP.HCM

Tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân đờn ca tài tử

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ luôn được TP quan tâm đầu tư trong thời gian vừa qua.

Đó là thực hành truyền dạy, sáng tác bài ca mới, tổ chức trình diễn và quảng bá ở các điểm du lịch và trên các phương tiện truyền thông..., qua đó từng bước phát triển phong trào đờn ca tài tử Nam bộ, tạo nền tảng khá vững chắc cho sự thụ hưởng, sáng tạo nghệ thuật của người dân TP.

Tuy nhiên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nhìn nhận việc thực hành đờn ca tài tử hiện nay còn một số hạn chế như: chủ yếu phát triển mạnh ở vùng ngoại thành và trong tầng lớp trung niên, tình trạng “già hóa” hội viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử đang diễn ra mạnh; nghệ nhân chơi các nhạc cụ cổ truyền ngày càng "khan hiếm”, nhất là đờn cò, kìm, tranh, bầu; chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa phù hợp.

Do vậy, hội thảo này là dịp để để lắng nghe, ghi nhận những ý kiến đóng góp và đề xuất các giải pháp của các chuyên gia, qua đó góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ...

Theo TS. Mai Mỹ Duyên, Nhà nghiên cứu đờn ca tài tử cho biết, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, đờn ca tài tử đang đối mặt với những thách thức về sự tồn tại và phát triển bền vững, nhất là trong đội ngũ trao truyền và tiếp nhận. Đây là vấn đề cấp thiết, cần nghiên cứu tìm ra hướng giải quyết phù hợp với bối cảnh hiện nay.

"Cần có sự tôn vinh và xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp dành cho các nghệ nhân đang hoạt động trong lĩnh vực đờn ca tài tử, gồm các nghệ nhân truyền nghề, sáng tác, cải tiến nhạc cụ… Thông qua việc đãi ngộ tốt sẽ tác động rất lớn đến nhận thức, trách nhiệm và chất lượng trong truyền dạy" - TS Mai Mỹ Duyên đề xuất.

de-don-ca-tai-tu-luon-duoc-bao-ton-va-phat-trien-ben-vung1.jpg
Theo tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, cần có chính sách đãi ngộ tốt đối với các nghệ nhân đang hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử giúp giữ lửa đam mê và phát triển hơn đối với loại hình nghệ thuật này.

Đưa đờn ca tài tử vào khai thác du lịch

Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình (Đài Truyền hình TP.HCM), TP.HCM là nơi giao thoa, hội tụ và lan tỏa văn hóa đặc trưng Phương Nam, đồng thời là địa phương thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa, thành phố cũng là nơi tập trung đông đảo nhân lực đờn ca tài tử. Việc đưa đờn ca tài tử khai thác du lịch không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch thành phố mà còn phát huy giá trị, duy trì sức sống và gìn giữ di sản này.

Đồng quan điểm này, Thạc sĩ Hoàng Sơn Giang (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề xuất cần mở rộng không gian và thời gian biểu diễn đờn ca tài tử. Đồng thời, cần đào tạo và phát triển đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng biểu diễn và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm