Chiều 5-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) chỉ đồng ý “hỗ trợ” tổng cộng 881 triệu đồng cho năm chủ tàu vỏ thép do công ty này đóng bị hỏng, phải nằm bờ nhiều tháng liền.
Hàng loạt tàu vỏ thép bị hỏng phải nằm bờ nhiều tháng liền nhưng công ty đóng tàu cho rằng mình không có trách nhiệm. Ảnh: TL
Trong khi đó, ban đầu năm ngư dân chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương bồi thường tổng cộng hơn 9 tỉ đồng. Sau nhiều lần kê khai lại, xác minh giá trị thiệt hại, trải qua rất nhiều cuộc họp giải quyết, nhiều cuộc thương lượng giữa hai bên, năm chủ tàu thống nhất giảm số tiền yêu cầu bồi thường xuống còn hơn 5,3 tỉ đồng.
Tại các họp giải quyết cũng như trong văn bản trả lời trước đây, Công ty Đại Nguyên Dương thẳng thừng từ chối bồi thường với lý do cho rằng công ty không có lỗi trong việc tàu phải nằm bờ nhiều tháng liền, không có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, tại cuộc họp do Sở NN&PTNT tổ chức chiều 2-4, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, đề nghị tiếp tục gặp từng chủ tàu để thương lượng từng khoản thiệt hại. Trong hai ngày 3 và 4-4, với sự chủ trì của lãnh đạo UBND huyện Phù Cát, Phù Mỹ cùng các cơ quan chức năng, đại diện công ty này tiếp tục thương lượng và chỉ đồng ý “hỗ trợ” số tiền trên.
Trao đổi với PV sau cuộc thương lượng, các ngư dân chủ tàu đều cho rằng họ đành chấp nhận số tiền bồi thường quá ít ỏi so với giá trị thiệt hại do đã quá mệt mỏi, chán ngán với việc họp hành giải quyết cũng như thái độ thiếu thiện chí của Công ty Đại Nguyên Dương.
“Từ ngày tàu liên tục bị hỏng, rồi phải nằm bờ 7-8 tháng, gia đình tôi bị thiệt hại cả tỉ đồng. Cả năm trời, gia đình tôi không đi đánh bắt, nợ nần chồng chất đến kiệt quệ. Hết cuộc họp này đến cuộc họp khác vẫn không giải quyết được gì. Còn công ty đóng tàu thì hết đổ lỗi cho chúng tôi, coi ngư dân như chẳng biết gì rồi đến than thở, năn nỉ ỉ ôi! Do đó, chúng tôi đành chấp nhận để ráng làm lại chứ biết làm gì bây giờ!”. Ông Nguyễn Văn Lý (chủ tàu ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) buồn bã nói sau khi đành chấp nhận số tiền “hỗ trợ” 136 triệu đồng của Công ty Đại Nguyên Dương.
Ông Nguyễn Văn Lý bên chiếc tàu vỏ thép tan hoang của mình.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cũng cho rằng số tiền “hỗ trợ” của Công ty Đại Nguyên Dương là quá nhỏ so với sự thiệt hại thực tế của các chủ tàu. “Kê khai thiệt hại, yêu cầu bồi thường của người dân là có căn cứ, là yêu cầu chính đáng nhưng công ty đóng tàu giải quyết không thỏa đáng. Chính quyền cũng đã nhiều lần yêu cầu công ty đóng tàu giải quyết trên tinh thần tôn trọng quyền lợi chính đáng của ngư dân nhưng các công ty hết lấy lý do này đến lý do khác để trì hoãn, kỳ kèo, giảm bồi thường, hỗ trợ” - ông Tân nói.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện Công ty Đại Nguyên Dương và các chủ tàu vẫn chưa thống nhất mức bồi thường trả lãi ngân hàng trong thời gian sửa chữa tàu. Trong khi các chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải chịu 3% trong mức 6% lãi suất nợ quá hạn thì công ty này chỉ đồng ý 2,5%. “Do tàu bị hỏng, không đi biển được, không có tiền trả lãi ngân hàng nên nợ quá hạn tăng lên nhưng công ty đóng tàu cũng né tránh trách nhiệm” - ông Nguyễn Văn Mạnh (chủ tàu ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) nói.
Liên quan đến việc bồi thường cho ngư dân, hiện nay Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) cũng đang tiến hành thương lượng với 14 chủ tàu vỏ thép do công ty này đóng bị hỏng.
Trước đây, 14 chủ tàu yêu cầu công ty này bồi thường hơn 36,5 tỉ đồng, sau đó giảm xuống còn 27,8 tỉ đồng. Lúc đầu Công ty Nam Triệu hứa bồi thường hợp lý, giải quyết dứt điểm trong tháng 2-2018. Tuy nhiên, sau đó công ty này cũng có văn bản từ chối bồi thường với lý do cho rằng công ty đã tuân thủ hợp đồng. Tại cuộc họp chiều 2-4, đại diện Công ty Nam Triệu lại đề nghị tiếp tục thương lượng với từng chủ tàu về các khoản thiệt hại.