Sau 5 năm làm đại sứ Việt Nam, những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, bà Ann Mawe, đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam đã bắt đầu chuyến đi khám phá trước khi trở về nước.
Trưa 5-6, bà Ann Mawe đã đến thăm căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch TP.HCM nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sống và làm việc đến cuối đời.
Tại đây, khi cùng ca sĩ Tấn Sơn và nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn thể hiện ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng Tiếng Việt, đại sứ Thuỵ Điển Ann Mawe khiến người thân, bạn bè cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thích thú.
Nhân dịp này PLO đã có buổi trò chuyện với bà Ann Mawe để lắng nghe bà chia sẻ về cơ duyên đến với nhạc Trịnh Công Sơn cũng như những điều bà yêu mến tại Việt Nam.
. Phóng viên: Cơ duyên nào đưa bà đến với âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
+ Bà Ann Mawe: Tôi luôn thích nghe nhạc ở đất nước nơi mà tôi đặt chân đến, vì nó mang đến cho tôi cơ hội hiểu biết thêm về văn hóa của nơi đó. Khi tôi cố gắng học ngôn ngữ, việc học qua một bài hát luôn dễ dàng hơn vì tôi nghĩ mình có thể học âm sắc và nhịp điệu của ngôn ngữ đó qua bài hát.
Tôi biết rằng Trịnh Công Sơn là một nhà soạn nhạc, một nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, sau khi tôi xem bộ phim Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh), tôi thực sự muốn tìm hiểu về cuộc đời, quan điểm cũng như những tác phẩm của ông ấy.
. Điều thôi thúc bà muốn tìm hiểu về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là gì?
+ Khi tôi đọc tư liệu về thời chiến ở Việt Nam và xem phim về quá trình lớn lên của Trịnh Công Sơn ở Huế, việc ông phản đối chiến tranh, cách nhìn của ông ấy về chiến tranh,... là điều thực sự cuốn hút tôi. Tôi nghĩ ông ấy có một cuộc đời phi thường.
Thật thú vị khi có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống của ông ấy ở Huế, ở TP.HCM, quá trình kết nối của ông với các nghệ sĩ miền Bắc, tìm điểm chung với các nghệ sĩ miền Bắc và rồi dành cả cuộc đời sáng tác các ca khúc ở những giai đoạn khác nhau của lịch sử Việt Nam. Đây quả thật là một thành tựu trọn đời, rất phong phú và hấp dẫn.
. Tại buổi thăm nhà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hôm nay, bà đã thể hiện ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ. Trong quá trình tập luyện bà có gặp khó khăn với dòng nhạc có chiều sâu như nhạc Trịnh?
+ Tôi không nói được Tiếng Việt nên việc học lời bài hát rất khó, thành thử tôi chỉ bắt chước, tuy nhiên tôi vẫn phải hiểu ý nghĩa của bài hát. Tôi có một giáo viên không chỉ giúp tôi dịch bài hát mà còn giải thích ý nghĩa ẩn sau những câu từ (những ẩn dụ về cây cỏ, thiên nhiên, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam).
. Lý do nào thúc đẩy bà thực hiện chuyến thăm nhà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ và trở về Thụy Điển?
+ Tôi biết và hát những bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thậm chí tôi đã xem phim Em và Trịnh. Tôi thực sự bị cuốn hút, say mê với cuộc đời ông. Vì vậy khi nhận được lời mời đến thăm nhà Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ đây là việc mình phải làm trước khi rời Việt Nam.
Có thể đây là lần cuối cùng tôi đến TP.HCM trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, nên tôi quyết định nhân cơ hội này đến thăm nhà cố nhạc sĩ, để hiểu nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và cuộc sống của ông ở đây như thế nào.
. Như đã đề cập, bà sắp kết thúc nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, nhìn lại sau 5 năm ở đây, điều gì ở Việt Nam khiến bà yêu mến nhất?
+ Ồ, có rất nhiều thứ mà tôi yêu quý tại đất nước Việt Nam sau 5 năm sinh sống, làm việc. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, nhưng tôi nghĩ điều tôi sẽ nhớ nhất là cuộc sống thường nhật ở Việt Nam.
Sáng sớm thức dậy đạp xe đi làm, nhìn ngắm người dân tập thể dục ở các công viên, bờ hồ, nhìn mọi người ăn sáng ngoài trời và rồi đạp xe đi làm về vào buổi chiều. Sự tương tác của con người nơi đây vô cùng sống động.
. Hơn 10 năm phụ trách các vấn đề về phát triển chính sách, an ninh,... ở Liên Hợp Quốc (LHQ), khu vực Trung Đông và Bắc Phi, bà có lời khuyên gì cho Việt Nam trong các vấn đề này?
+ Đây là một câu hỏi lớn nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời. Tôi nghĩ có một điểm chung giữa Thụy Điển và Việt Nam là niềm tin vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một hệ thống đa phương mạnh mẽ.
Để tránh khủng hoảng, chúng ta cần LHQ, cần các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ cũng như cần tuân thủ những quy tắc mà chúng ta đã cùng nhau đặt ra, đồng thời phải nhất quán trong cách tiếp cận xung đột. Dù đó là xung đột ở Ukraine hay Dải Gaza, điều quan trọng luôn là phải có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế.
Một điều nữa, Việt Nam là một đất nước giàu mạnh, xứng tầm với sự phát triển đáng kinh ngạc mà Việt Nam đạt được trong suốt những thập niên sau đổi mới.
Tuy nhiên, để một quốc gia giàu mạnh, hướng tới số hóa, chuyển đổi xanh một cách bền vững thì đơn phương một nước không thể làm được mà cần sự chung tay của tất cả mọi người, mọi lĩnh vực kinh doanh, các công ty tư nhân trong và ngoài nước đến giới học thuật,...
. Cảm ơn bà Ann Mawe về buổi trò chuyện này!